TS Hồ Thị Oanh (32 tuổi), Viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, lycopen và hệ nano lycopen là những nguồn dược liệu quý, có tiềm năng ứng dụng lớn cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm và công nghệ thực phẩm. Các sản phẩm lycopen trên thị trường hiện nay chủ yếu sản xuất từ quả cà chua hoặc lycopen hóa học. Trong khi đó, hàm lượng lycopen từ quả gấc được nhóm xác định cao gấp 70-100 lần so với cà chua. Sau gần 3 năm nghiên cứu, nhóm nhà khoa học phòng Vật liệu mới, Viện Hóa học tách chiết thành công lycopen từ quả gấc đạt độ tinh khiết 98%.
Lycopen được chiết tách bằng việc sử dụng hai dung môi hữu cơ dicloromethane và ethanol. Đây được coi là phương pháp đơn giản, dễ triển khai, kinh phí thấp nhưng đạt độ tinh khiết cao.
Theo tính toán của nhóm, khoảng 1 tấn gấc tươi sẽ cho ra khoảng 1 kg lycopen. Từ lycopen tinh khiết, nhóm tiếp tục sấy phun hoặc đông khô để sản xuất nano lycopen hàm lượng trên 10%. Nano lycopen có kích thước rất nhỏ, dưới 100 nm, nên có khả năng hòa tan trong nước gấp nhiều lần lycopen tinh thể. Với khả năng hấp thu của nano lycopen được nâng lên là cơ sở để sản xuất các sản phẩm ứng dụng, phục vụ người dân.
TS Hồ Thị Oanh cho biết, với lycopen có thể bảo quản ở nhiệt độ thông thường. Tuy nhiên với nano lycopen phải bảo quản trong giấy bạc ở nhiệt độ -16 độ C, sau 3 tháng hàm lượng có thể giảm còn 95%.
"Đặc điểm của nano lycopen là không bền, nên khi bảo quản không dễ dàng như hoạt chất khác. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu các công nghệ khắc phục nhược điểm này để sản phẩm dễ đến với thị trường hơn", TS Oanh nói.
Theo tính toán, giá thành cho 1 kg lycopen từ quả gấc khoảng 50-60 triệu đồng, rẻ hơn 1/3 so với các sản phẩm ngoại nhập (khoảng 150 triệu đồng) nên rất tiềm năng trong ứng dụng. Với nghiên cứu sản xuất lycopen và nano lycopen, nhóm nghiên cứu của TS Oanh được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế hồi tháng 1/2021.
Theo TS Hoàng Mai Hà, Viện phó Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lycopen là hoạt chất rất quý của của gấc, với hàm lượng lycopen rất cao so với các loại thực phẩm khác. Nên việc chiết tách lycopen từ quả gấc có ý nghĩa trong việc tìm ra nguyên liệu lycopen sẵn có, rẻ tiền, đóng góp cho công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam.
"Nhóm đã thể hiện sự nỗ lực trong nghiên cứu mới này, phía cơ quan quản lý chúng tôi ghi nhận và luôn đồng hành ủng hộ nhóm tối đa để sản phẩm hoàn thiện công nghệ và ứng dụng thực tế", TS Hà nói.
Giải pháp chiết tách lycopen từ quả gấc thắng giải nhất Sáng kiến Khoa học
Nghiên cứu của nhóm nhận được giải Nhất cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 dành cho các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên, dưới 40 tuổi, trên toàn Việt Nam. Cuộc thi hướng đến 5 lĩnh vực gồm: y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Mục đích cuộc thi nhằm tìm kiếm những sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống. Cuộc thi đã thu hút hơn 100 hồ sơ tham gia, 88 hồ sơ hợp lệ bước vào vòng sơ loại. Ban tổ chức đã chọn 29 dự án vào vòng chung kết.
Năm nay cuộc thi đã chọn trao giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất trị giá 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là một quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Hà An