Sản phẩm được nhóm tác giả nghiên cứu với mục đích hỗ trợ ngư dân tăng năng suất đánh bắt cá, giảm bớt chi phí đi lại khi sử dụng chà truyền thống.
Thông thường, để dụ cá, ngư dân dùng tre, lá dừa... thả nổi trên biển gọi là chà. Họ dùng dây thừng dài 200-300 m buộc vào chà, một đầu buộc với đá dằn xuống đáy biển cố định. Mỗi khi cần kiểm tra khu vực chà có cá để đánh bắt hay không, ngư dân phải lái tàu tới kiểm tra. Có nhiều ngư dân sử dụng kinh nghiệm đi biển để nhận biết khu vực có cá, tổ chức đánh bắt. Từ thực tế này, nhóm cải tiến phao dò của nước ngoài, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Anh Đồng Quang Hồng, thành viên nhóm cho biết, phao dò cá được thiết kế như một thiết bị truyền dẫn thông tin thông qua tín hiệu vệ tinh không giới hạn khoảng cách. Thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời và có khả năng tích trữ điện năng khi hoạt động trong môi trường mưa bão với độ chống chịu theo chuẩn quốc tế IP68 về chống bụi và nước. Đầu dò cá sử dụng sóng âm để thu thập và phân tích dữ liệu thông tin đàn cá như màu sắc, hình dạng, mật độ, độ sâu phân bố...
Phao dò cũng cung cấp các dữ liệu về hải dương tại khu vực phao và truyền thông tin đến tàu cá hoặc truyền về bờ bằng công nghệ vệ tinh. Thiết bị dò cá cứ 20 giây phát tín hiệu dò một lần, thể hiện trên dải dữ liệu để giúp chủ tàu cá xác định chính xác thông tin về đàn cá thông qua sóng vệ tinh. Khi nhận được các thông tin tín hiệu đàn cá trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, chủ tàu hoặc thuyền trưởng lập phương án tiếp cận, xác định thời điểm, vị trí tổ chức đánh bắt phù hợp.
"Giải pháp này giúp ngư dân không phải phải chạy tàu đến các chà nổi để xác định có cá ở khu vực không, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại" anh Hồng nói và cho biết sản lượng đánh bắt cá tăng từ 3 đến 5 lần.
Ngư dân Trần Ngọc Hoàng (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đang sở hữu 12 cây chà ở vùng biển Trường Sa. Sau một thời gian sử dụng phao dò cá, ông cho biết, dù ở nhà nhưng vẫn biết vị trí cây chà đó có cá hay không. Ghe không phải chạy lòng vòng tốn nhiên liệu, giảm chi phí nhiên liệu lên đến 30%.
Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, ở các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... họ đã sử dụng phao dò cá từ khoảng 20 năm nay. Tại Việt Nam, ngư dân chủ yếu sử dụng chà thủ công và kinh nghiệm đánh bắt. Việc có một sản phẩm hiện đại, cho độ chính xác cao như phao dò cá sử dụng công nghệ vệ tinh vẫn còn khá mới với nhiều ngư dân.
"Tôi đánh giá cao sản phẩm này vì trong quá trình thử nghiệm giúp ngư dân tăng sản lượng, giảm chi phí, đóng góp cho ngành đánh bắt thủy hải sản. Thời gian tới, hội sẽ kết nối với các đơn vị thành viên, địa phương tổ chức các chương trình giới thiệu, tập huấn để ngư dân tiếp cận với công cụ mới này, giúp họ có thêm phương án đánh bắt, tăng thu nhập", ông Đáp nói.
Năm 2022 cuộc thi Sáng kiến khoa học tổ chức mùa đầu tiên. Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Ở mùa đầu, chương trình trao 1 giải đặc biệt 100 triệu đồng; giải nhất 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Hà An