Điều hành phiên tọa đàm, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cùng các diễn giả tháo gỡ các nút thắt xoay quanh những thuận lợi, khó khăn của những người nghiên cứu trẻ, tìm ra họ cần hỗ trợ gì từ những doanh nghiệp dẫn dắt.
Theo ông Đặng Kim Long, Giám đốc đối ngoại Huawei Việt Nam, để thúc đẩy các nghiên cứu trong giới trẻ, đại học - nơi có nguồn lực con người cần có sự thay đổi theo hướng chủ động hơn.
Ông Long cho rằng, đại học cần chủ động tìm tới các doanh nghiệp lớn để phát huy kết nối trong hoạt động khoa học. Doanh nghiệp nhiều khi cũng không rõ nhu cầu đại học cần gì, đang thiếu gì và cần hỗ trợ gì từ doanh nghiệp. "Nếu sự kết nối chỉ từ một phía sẽ rất khó cho doanh nghiệp hiểu được nhu cầu của đại học một cách tường tận", ông nói và cho rằng bản thân các trường cần tạo sân chơi cho sinh viên trường mình tham gia hơn nữa, đưa sinh viên "nhúng mình" vào doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Long cũng gợi ý đại học cần tạo ra sân chơi, các cuộc thi về sáng tạo để sinh viên phát huy hơn nữa khả năng. Nhà trường cần đưa sinh viên tham gia sâu hoạt động doanh nghiệp, tạo ra môi trường để họ thể hiện. Trong nghiên cứu khoa học và tạo môi trường trải nghiệm cho bạn trẻ, ông Long cho rằng cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước và cộng đồng. Cần quy tụ những bạn trẻ làm khoa học công nghệ. Cộng đồng này phải có người dẫn dắt định hướng, để chia sẻ với nhau, đặc biệt là hợp tác quốc tế.... Cộng đồng khoa học cần tận dụng thế mạnh mọi người ở khắp thế giới để làm việc cùng nhau, tạo lồng ấp cho các nghiên cứu khoa học.
Ở góc độ nhà trường, PGS.TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành trung tâm BK.AI, Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng tình về vai trò doanh nghiệp trong thúc đẩy nghiên cứu trong người trẻ. Phía doanh nghiệp với vai trò đưa bài toán, vấn đề cụ thể để nhà khoa học đưa ra lời giải.
Bàn về các giải pháp ở góc độ nhà trường để khuyến khích bạn trẻ nghiên cứu, theo TS Nguyễn Phi Lê, tại các trường cần đẩy mạnh nghiên cứu sau đại học. Bà cho rằng tỷ lệ sinh viên học tiếp sau đại học hiện nay còn ít. Do đó không có nhiều bạn trẻ say mê nghiên cứu và học sau đại học để tiếp tục con đường này. "Điều này xuất phát từ quan niệm người Việt, bố mẹ chỉ nuôi con học hết đại học. Nên nhiều bạn trẻ có tư duy học xong đại học phải đi làm để tự lo cuộc sống, ít người đi học lên tiến sĩ", TS Lê chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, TS Lê đề xuất cần có nhiều quỹ học bổng tài trợ cho sinh viên sau đại học. Đây là quỹ học bổng của doanh nghiệp giúp sinh viên tập trung vào nghiên cứu khoa học. Cần có nhiều doanh nghiệp tạo ra quỹ hỗ trợ sinh viên làm nghiên cứu. "Tôi hy vọng có nhiều doanh nghiệp chung tay để các nghiên cứu càng phát triển", TS Lê nói.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết, để tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cũng có nhiều thay đổi, giúp các bạn trẻ tự tin tham gia các đề tài. Trước đây, các nhà khoa học phải lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm mới được làm chủ nghiệm đề tài. NAFOSTED hiện đã thay đổi với tiêu chí đưa ra là các công bố mới nhất. Các hội đồng là các tiến sĩ trẻ, tạo cho nhà khoa học trẻ tự tin, mạnh dạn trải nghiệm các đề tài.
Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, chương trình KC 4.0 chủ trì hầu hết là các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các công nghệ mới như AI, IoT. Mô hình Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKITS) với đội ngũ toàn nhà nghiên cứu trẻ. Thứ trưởng Duy kỳ vọng đây sẽ là mô hình điểm để phát triển các viện nghiên cứu trên toàn quốc.
Hà An