Cáp quang biển APG lùi lịch sửa, người dùng Internet không bị ảnh hưởng

Theo lịch mới được thông báo tới các nhà mạng tại Việt Nam, dự kiến thời gian hoàn thành sửa chữa các lỗi, khôi phục hoàn toàn tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã bị lùi hơn 2 tuần, chuyển từ ngày 7/4 sang ngày 26/4.


Ba lỗi trên tuyến cáp APG sẽ được sửa xong trước ngày 30/4


Là 1 trong 6 tuyến cáp quang biển đang kết nối Internet từ Việt Nam đi toàn cầu, Asia Pacific Gateway - APG hiện cũng là tuyến cáp biển duy nhất đang gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.


Tuyến cáp biển này được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây cũng là tuyến cáp có 4 nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, Viettel, CMC, FPT tham gia đầu tư.


Lần gần đây nhất, tuyến cáp biển APG gặp sự cố là vào sáng ngày 3/2/2025 với 3 lỗi trên 2 nhánh cáp S9 và S1.9. Trong đó, vị trí lỗi trên nhánh cáp S9 được xác định cách trạm cập bờ Singapore khoảng 143 km. Hai lỗi trên nhánh S1.9 có vị trí cách trạm cập bờ Malaysia lần lượt là 63 km và 86 km.


cap quang bien.jpg
Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hiện nay qua 6 tuyến cáp quang biển AAG, APG, IA, SMW3, AAE-1, ADC và một số tuyến cáp đất liền. Ảnh minh họa: Internet

Trong thông tin chia sẻ với phóng viên VietNamNet vào sáng 6/4, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, sự cố xảy ra ngày 3/2 trên tuyến cáp quang biển APG chưa thể khắc phục xong vào ngày 7/4 như kế hoạch dự kiến trước đó.


Bởi lẽ, do những nguyên nhân khách quan, đối tác quốc tế đã điều chỉnh lùi lịch sửa chữa các lỗi trên 2 nhánh S9 và S1.9 của tuyến cáp biển APG.


Cụ thể, theo lịch mới, lỗi trên nhánh S9 của tuyến APG sẽ được khắc phục từ ngày 21/4 đến ngày 26/4. Với 2 lỗi trên nhánh S1.9 hướng kết nối đi Malaysia, thời gian sửa lần lượt là từ ngày 10/4 đến 14/4 và từ ngày 16/4 đến ngày 20/4.


Lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp biển APG dự kiến được khôi phục hoàn toàn vào ngày 26/4, chậm hơn 18 ngày so với lịch cũ được thông báo tới các ISP tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 2/2025.


Nhận định về ảnh hưởng từ việc cáp biển APG lùi lịch sửa chữa, một chuyên gia viễn thông cho hay, ảnh hưởng tác động đến các nhà mạng và người dùng tại Việt Nam là không lớn, do các nhà cung cấp dịch vụ đều đã triển khai phương án dự phòng, bù dung lượng bằng các tuyến cáp biển và cáp đất liền khác nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới người dùng.


“Thông thường, chỉ khi nhiều tuyến cáp biển cùng gặp sự cố, chất lượng dịch vụ Internet quốc tế mới bị ảnh hưởng. Khi đó, những người dùng Internet qua di động 3G/4G sẽ cảm nhận rõ hơn cả ảnh hưởng từ sự cố cáp biển”, vị chuyên gia viễn thông phân tích thêm.


Thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, Internet an toàn và bền vững


Từ cuối năm 2024, đã có thêm 1 tuyến cáp biển mới ADC, tuyến thứ 6 và là tuyến có dung lượng lớn nhất của Việt Nam (20 Tbps) được đưa vào khai thác; qua đó giúp cải thiện tốc độ Internet và bảo đảm sự bền vững kết nối quốc tế của Việt Nam.


Theo số liệu của Bộ KH&CN, tính đến cuối tháng 3/2025, tổng dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên các tuyến cáp quang biển là 38 Tbps.


Bộ TT&TT (nay là Bộ KH&CN) hồi giữa năm ngoái đã ban hành Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam. Chiến lược hướng tới phát triển hệ thống cáp quang quốc tế để xây dựng khả năng tự chủ trong việc thiết lập, triển khai, sửa chữa các tuyến cáp quang quốc tế, đảm bảo an toàn cho mạng lưới Internet Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nhu cầu kết nối quốc tế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc phòng - an ninh.


Mục tiêu cụ thể được đặt ra tại chiến lược này là đến năm 2030 sẽ đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến.


W-dich vu vien thong moi 1.jpg
Là 1 trong 4 thành phần chính của hạ tầng số Việt Nam, hạ tầng viễn thông và Internet cần được phát triển đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững. Ảnh minh họa: M.H

Thực tế, việc mới chỉ có 6 tuyến cáp quang biển để kết nối Internet Việt Nam với toàn quốc là một tồn tại, hạn chế của hạ tầng viễn thông, còn cách rất xa mục tiêu có 15 tuyến vào năm 2030.


Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư, quy định tại Nghị quyết 193 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.


Cụ thể, Nghị quyết 193 thí điểm cho phép được áp dụng hình trình tự, thủ tục quy định cho dự án đầu tư tại Việt Nam với các dự án cáp viễn thông quốc tế trên biển có trạm cập bờ tại Việt Nam và cho phép chỉ định thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án.


Chính sách này hướng tới việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đấu thầu để phát triển hệ thống cáp quang biển quốc tế của Việt Nam đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Qua đó, góp phần phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững.









Cap quang bien APG lui lich sua, nguoi dung Internet khong bi anh huong


Theo lich moi duoc thong bao toi cac nha mang tai Viet Nam, du kien thoi gian hoan thanh sua chua cac loi, khoi phuc hoan toan tuyen cap quang bien quoc te APG da bi lui hon 2 tuan, chuyen tu ngay 7/4 sang ngay 26/4.

Cáp quang biển APG lùi lịch sửa, người dùng Internet không bị ảnh hưởng

Theo lịch mới được thông báo tới các nhà mạng tại Việt Nam, dự kiến thời gian hoàn thành sửa chữa các lỗi, khôi phục hoàn toàn tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã bị lùi hơn 2 tuần, chuyển từ ngày 7/4 sang ngày 26/4.
Cáp quang biển APG lùi lịch sửa, người dùng Internet không bị ảnh hưởng
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: