Sứa bóng ma khổng lồ có tên khoa học Stygiomedusa gigantea, sống ở mọi đại dương trừ Bắc Băng Dương, chuyên ăn sinh vật phù du và cá nhỏ, theo Live Science. Các đại dương trên Trái Đất là nơi ở của nhiều loài động vật khác thường mà con người hiếm khi bắt gặp, bao gồm sứa bóng ma khổng lồ. Sinh vật biển sâu sống ẩn dật này có phần bụng rộng một mét với 4 cánh tay giống ruy băng dài tới 10 m, biến chúng thành một trong những động vật ăn thịt không xương sống lớn nhất trong đại dương.
Mẫu vật sứa bóng ma khổng lồ đầu tiên được thu thập vào năm 1899 và mô tả năm 1910. Giới nghiên cứu mới chỉ trông thấy chúng khoảng 120 lần từ đó tới nay. Đó là vì chúng thường sống ở vùng nước sâu tới 6.700 m bên dưới mặt biển. Chúng có cơ thể chịu nén và đè ép tốt, giúp chúng sống sót dưới áp suất cực cao ở độ sâu lớn như vậy.
Năm 2022, các nhà nghiên cứu quan sát sứa bóng ma khổng lồ vào ba dịp riêng biệt trong những chuyến thám hiểm bằng tàu ngầm ở Nam Cực. Dữ liệu hình ảnh cho thấy chúng bơi ở khu vực tương đối nông (80 - 280 m). Trong một báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết nhiều khả năng sống gần mặt nước ở vĩ độ nam cao do chênh lệch theo mùa của ánh sáng Mặt Trời có thể thúc đẩy con mồi di chuyển tới đó.
Không giống những loài sứa khác, sứa bóng ma khổng lồ không có xúc tu để chích con mồi. Thay vào đó, chúng bao trùm cánh tay quanh con mồi và kéo vào miệng. Sứa bóng ma khổng lồ cũng sinh con thay vì đẻ trứng. Con non phát triển bên trong cơ thể mẹ trước khi tách ra từ bên trong mũ và bơi ra ngoài từ miệng sứa mẹ.
Khi có ánh sáng khả kiến, sứa bóng ma khổng lồ phát ra ánh sáng màu đỏ cam nhạt thông qua phát quang sinh học, có nghĩa chúng tạo ra ánh sáng qua phản ứng hóa học tự nhiên. Dù chưa biết chính xác tại sao chúng phát sáng, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể làm vậy để giao tiếp, khiến kẻ thù bối rối hoặc thu hút bạn tình tiềm năng. Tuy nhiên, do sứa bóng ma khổng lồ sống ở vùng biển sâu, nơi ánh sáng đỏ không thể chiếu xa, ánh sáng của chúng rất mờ nhạt.
Sứa bóng ma khổng lồ sống đơn độc, nhưng dường như chúng cũng giúp bảo vệ sinh vật biển nhỏ hơn. Trong một chuyến thám hiểm ở vịnh California, các chuyên gia ở Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey trông thấy cá Thalassobathia pelagica ẩn nấp dưới thân sứa. Đổi lại, con cá giúp sứa loại bỏ ký sinh trùng.
An Khang (Theo Live Science)