Theo số liệu của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), tính đến 15/11/2024, cả nước hiện có 1.056 giấy phép thiết lập mạng xã hội. Trong đó, 40 mạng xã hội đã được cấp phép mới trong năm 2024.
Thống kê cũng cho thấy, hiện có khoảng 110 triệu tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước. Cục PTTH&TTĐT ghi nhận một số mạng xã hội trong nước đã có những nỗ lực, bứt phá để thu hút người dùng trong năm qua.
Trên thực tế, sự phát triển của các mạng xã hội Việt Nam gần đây đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Các mạng xã hội Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc và có những hướng đi riêng nhằm phát triển tệp người dùng trong nước.
Đơn cử như trường hợp của Zalo, tính đến 30/6/2024, tổng số người dùng Zalo hàng tháng đạt 76,5 triệu. Đến thời điểm hiện tại, Zalo có nhiều tài khoản người dùng trong nước đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới phổ biến là Facebook (72 triệu người dùng), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu).
Đáng chú ý, tại Việt Nam thời gian qua còn có sự nổi lên của một mạng xã hội mới - YooLife. Đây cũng là nền tảng Việt hiếm hoi lọt vào top 10 mạng xã hội được tải về trên chợ ứng dụng AppStore của Apple.
Mạng xã hội này cũng từng xếp vị trí thứ 4 về ứng dụng miễn phí phổ biến trên Google Play vào tháng 11/2024.
Điểm khác biệt tạo nên sức hút của YooLife chính là việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo 360 độ (VR360) để tái hiện những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc một cách chân thực và sống động.
Nổi bật nhất là dự án ảo hóa VR360 Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ra mắt đầu tháng 11/2024, thu hút hàng triệu lượt truy cập trực tuyến cùng nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng.
Tiếp nối thành công đó, tháng 12/2024, YooLife cho ra mắt dự án mới mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Dự án đưa người xem ngược dòng thời gian, từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bằng việc kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại, hình ảnh, lời bình và âm nhạc, YooLife đã thành công trong việc tái hiện các không gian lịch sử, từ đó chạm đến cảm xúc của người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Với Zalo, mạng xã hội này lại có một hướng đi khác biệt khi tham gia tích cực vào công tác hỗ trợ chuyển đổi số dịch vụ hành chính công cho các bộ, ban, ngành, từ cấp trung ương đến địa phương, với 2 mô hình Zalo Mini App và Zalo Official Account (Zalo OA).
Đến cuối năm 2024, đã có hơn 17.200 cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương sử dụng Zalo OA để kết nối với người dân. Là giải pháp tương tác hai chiều, Zalo OA giúp người dân tiếp nhận thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước, đồng thời phản ánh những vấn đề đang diễn ra một cách nhanh chóng và kịp thời.
Với các cơ quan nhà nước, sự tồn tại của Zalo OA hỗ trợ việc phổ biến thông tin một cách nhanh chóng, việc thu thập ý kiến phản hồi từ người dân cũng dễ dàng hơn.
Đây được đánh giá là kênh truyền thông tương tác giữa chính quyền cơ sở với người dân, thu hút hàng chục triệu lượt quan tâm, theo dõi.
Theo thống kê của Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT), tính đến hết năm 2024, đã có 4.024 xã, phường, thị trấn trên cả nước có trang Zalo OA thông tin cơ sở, đạt tỷ lệ 40%.
Đơn vị này đặt mục tiêu hết năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn sẽ có trang Zalo OA thông tin cơ sở.
Với Zalo Mini App, đây là một ứng dụng nhỏ được tích hợp trên Zalo, giúp các cơ quan, tổ chức, địa phương cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân qua nền tảng mạng xã hội.
Đến hết năm 2024, đã có hơn 460 mini app được tích hợp trên Zalo, phục vụ hàng triệu lượt người sử dụng.
Bằng một cách làm khác biệt, Zalo đang dần trở thành nền tảng cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, kết nối người dân với chính quyền trung ương và địa phương.
Đây cũng là cách mạng xã hội này ăn sâu bám rễ vững chắc vào thói quen của người sử dụng.
Có thể thấy, các mạng xã hội Make in Viet Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình bằng những hướng đi riêng biệt và sáng tạo.
Trong khi YooLife tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại để lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, thì Zalo lại hướng đến việc trở thành cầu nối quan trọng giữa người dân với chính quyền trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Những thành công bước đầu này cho thấy tiềm năng phát triển của các mạng xã hội Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để các nền tảng trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với các mạng xã hội xuyên biên giới.