Bay qua bầu trời xanh không gợn mây của Bangkok, một chiếc máy bay nhỏ phun sương mù trắng lên lớp khói mù dày đặc giống súp đậu bên dưới. Đây là nỗ lực liều lĩnh nhằm giảm ô nhiễm không khí ngột ngạt ở thủ đô Thái Lan. Hôm 23/1, mức độ ô nhiễm tại Bangkok cao gấp 8 lần so với mức trung bình tối đa hàng ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo AFP.
Tình trạng này đã khiến hơn một triệu người ốm kể từ cuối năm 2023 và tiêu tốn của Thái Lan hơn 88 triệu USD chi phí y tế, Bộ y tế công cộng cho biết đầu tháng này. Theo thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt, thủ phạm chính là khí thải từ xe cộ, hoạt động đốt rơm rạ trên khu vực rộng hơn và điều kiện thời tiết khép kín, một tầng khí quyển ấm giống nắp trùm ngăn bụi phân tán.
Thái Lan đang tìm cách xử lý hiện tượng bằng cách sử dụng phương pháp thử nghiệm để xử lý ô nhiễm mang tên nghịch nhiệt. Hai lần một ngày, Bộ Tạo mưa Hoàng gia điều máy bay phun nước lạnh hoặc băng khô lên lớp không khí ấm để hạ nhiệt. Các nhà phê bình cho rằng có rất ít bằng chứng phương pháp trên hiệu quả.
Bên trong máy bay nhỏ bay lên độ cao khoảng 1.500 m, một nhà khoa học theo dõi đường bay bằng iPad khi hai thành viên phi đoàn giải phóng nước đá từ cặp bình chứa màu xanh lớn phun từ bụng máy bay. Theo lý thuyết, giảm chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng khí quyển sẽ giúp những hạt bụi mịn mắc kẹt gọi là PM2.5 phân tán lên thượng quyển dễ dàng hơn. Đây là phương pháp phi truyền thống mới chỉ được sử dụng ở Thái Lan và không phải là công nghệ gieo mây, theo giám đốc chương trình Chanti Detyothin.
Các nước từ lâu đã thử công nghệ "gieo mây", phun hóa chất như bạc iot vào đám mây để gây mưa hoặc tuyết trong nỗ lực giảm bớt hạn hán và ô nhiễm không khí. Nhưng hiệu quả của nó vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ và các nhà khoa học cho biết công nghệ chỉ có tác dụng rất nhỏ trong việc tạo mưa và hấp thụ chất gây ô nhiễm.
Đợt khói mù tồi tệ nhất Thái Lan diễn ra vào mùa khô giữa tháng 12 và tháng 4 khi trời quá lộng gió và không có mây để gây mưa. Kỹ thuật mới được sử dụng lần đầu tiên năm ngoái và vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Một máy bay khác đo mật độ chất ô nhiễm trước và sau khi phun để xác định khác biệt ở chất lượng không khí.
"Mật độ bụi mịn PM 2.5 ít hơn. Dữ liệu cho thấy ở khu vực chúng tôi tập trung vào sạch bụi hơn", Chanti cho biết. Tuy nhiên, ông thừa nhận họ không thể khử hoàn toàn ô nhiễm. Ngay cả với công nghệ mới, vẫn có những hạn chế nhất định.
Trước khi cất cánh, phi đội chất một tấn băng khô hoặc đá và nước lên máy bay với thiết bị phun cải tổ mục đích sử dụng. Băng khô (carbon dioxide ở thể rắn) được cung cấp bởi công ty dầu khí Thái Lan PTT và nhiều công ty năng lượng khác. Một công ty nhiên liệu hóa thạch khác là Bangkok Industrial Gas cũng tặng băng khô cho chương trình trong tháng này.
Bản thân carbon dioxide là khí nhà kính. Những tác động môi trường và sức khỏe khi phun băng khô vào khí quyển vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Weenarin Lulitanonda, nhà đồng sáng lập tổ chức Thailand Clean Air Network, cáo buộc các công ty năng lượng tìm cách tạo dựng hình ảnh đẹp thay vì giải quyết vấn đề.
Một chuyến bay có thể tiêu tốn 1.500 USD. Với máy bay cất cánh từ 3 căn cứ trên khắp cả nước, chi phí có thể lên tới 9.000 USD/ngày. Chuyên gia Ekbordin Winijkul của Viện Công nghệ châu Á cho biết Bangkok sẽ tiết kiệm chi phí hơn khi giải quyết nguyên nhân ô nhiễm bằng biện pháp thông dụng như lập khu vực lưu thông ít thải khí.
An Khang (Theo Phys.org)