Tờ Financial Times (FT) cho hay tốc độ tăng trưởng của Douyin, phiên bản TikTok tại Trung Quốc, đã đạt đến điểm bão hòa tại nước này. Trong khi đó công ty mẹ ByteDance của cả 2 ứng dụng này dù được định giá 300 tỷ USD nhưng đã phải tìm kiếm con đường phát triển mới mang tên: trí thông minh nhân tạo (AI).
Nguồn tin của FT cho hay ByteDance đang tăng cường tuyển dụng, thậm chí thu hút nhân lực, kỹ sư và chuyên gia AI rời khỏi các doanh nghiệp đối thủ như Alibaba, các startup như 01.ai và Zhipu trong những tháng gần đây.
Hiện công ty mẹ của TikTok đang thành lập và mở rộng các nhóm nghiên cứu về ngôn ngữ lớn (LLM) và AI của mình nhằm tăng cường lợi thế trong cuộc đua AI tạo sinh ở Trung Quốc.
Trong suốt 2 năm qua, ByteDance đã đổ hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI, mua đủ các đơn vị xử lý đồ họa Nvidia tiên tiến để xây dựng các mô hình AI, qua đó trở thành khách hàng lớn nhất của Nvidia tại Trung Quốc.
Theo FT, việc bão hòa tại Trung Quốc và gặp khó ở thị trường Mỹ đã khiến ByteDance phải tìm con đường kiếm tiền mới thay vì mô hình giải trí, quảng cáo và thương mại điện tử (TMĐT) thông qua nền tảng mạng xã hội như trước đây.
Mới đây, tòa án Mỹ đã yêu cầu ByteDance phải bán nền tảng này trước tháng 1/2025 hoặc phải đối mặt với lệnh cấm tại quốc gia này.
"Nhà sáng lập Zhang Yiming nhận ra tiềm năng của các mô hình ngôn ngữ lớn để thay đổi ngành công nghiệp và ông ấy quyết định tham gia hết mình", một người trong công ty tiết lộ cho FT.
Lách luật với Nvidia
Việc Mỹ cấm vận công nghệ khiến ByteDance chỉ có thể mua dòng chip H20 từ Nvidia cho các trung tâm dữ liệu phát triển AI ở Trung Quốc. Thế nhưng nhờ là tập đoàn toàn cầu vì tách rời Douyin với TikTok nên ByteDance có thể mua chip H100 và Blackwell tiên tiến nhất của Nvidia cho các trung tâm dữ liệu phát triển AI bên ngoài quốc gia này.
Chính cách lách luật này khiến ByteDance nâng cao năng lực tính toán, phát triển các dự án AI của mình bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả việc ký hợp đồng với tư cách là đơn vị thuê chính cho các trung tâm dữ liệu mới tại Malaysia.
Thậm chí ByteDance không chỉ là khách hàng lớn nhất của Nvidia tại Trung Quốc mà còn là trên toàn Châu Á.
Nguồn tin của FT cho hay giám đốc Tan Dai tại Volcano Engine, bộ phận điện toán đám mây của ByteDance, đã có buổi gặp gỡ với giám đốc Nvidia Jensen Huang vào đầu năm nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của ông chủ TikTok với doanh số bán hàng của Nvidia tại Châu Á.
Sự thành công của ChatGPT đã thúc đẩy cuộc đua AI của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent.
Mặc dù hiện không có ứng cử viên nào chiếm ưu thế tại Trung Quốc nhưng ByteDance, cùng với các đối thủ DeepSeek và Alibaba đã đưa ra các mô hình AI có tiềm năng hơn nhờ cắt giảm được chi phí cho các nhà phát triển.
Đặc biệt, chatbot AI Doubao của ByteDance đã nổi lên như vị trí dẫn đầu trong việc phát triển ứng dụng AI tại Trung Quốc, trở thành đối thủ cạnh tranh tốt nhất của ChatGPT.
Theo trang phân tích Aicpb.com, dù Baidu ra mắt Ernie Bot trước 5 tháng so với Doubao nhưng sản phẩm của ByteDance hiện lại đang trở thành ứng dụng AI phổ biến nhất Trung Quốc.
Đến tháng 11/2024, Doubao có 60 triệu người dùng di động hoạt động thường xuyên hàng tháng, cao hơn nhiều so với gần 13 triệu người dùng của Wenxiaoyan, phiên bản di động được đổi tên của Ernie Bot của Baidu.
Tuy nhiên, OpenAI cho biết họ có 300 triệu người dùng hoạt động hàng tuần trên toàn cầu.
"Điểm khác biệt chính của Doubao của ByteDance là nó kết hợp nhiều khả năng AI trong một ứng dụng hoàn thiện", kỹ sư Wang Tiezhen của Hugging Face cho biết khi chỉ ra khả năng tìm kiếm, dịch thuật, tạo hình ảnh và video của các chatbot Trung Quốc.
ByteDance cũng đã ra mắt một chatbot ở nước ngoài mang tên Cici AI nhưng sản phẩm này được hỗ trợ bởi các mô hình của bên thứ ba bao gồm GPT của OpenAI.
Giấu mình chờ thời
Tờ Ft cho hay nhà sáng lập Zhang Yiming đã tích cực tham gia vào chiến lược chuyển hướng sang AI của tập đoàn khi đích thân giám sát việc tuyển dụng các kỹ sư và nhà nghiên cứu AI từ công ty đối thủ. Chính ông Zhang đã liên tục nói về mục tiêu "trí tuệ nhân tạo tổng quát" (AGI), tức những hệ thống máy tính có trí thông minh như con người hay thậm chí còn cao hơn.
Nguồn tin thân cận của FT cho hay ông Zhang chưa muốn bộc lộ tham vọng AI vì có nguy cơ bị chính quyền Washington giám sát chặt chẽ hơn, bởi vậy công ty mẹ của TikTok vẫn chỉ là một mạng xã hội kiếm tiền từ quảng cáo và TMĐT.
Tuy nhiên không phải ai cũng tin tưởng vào điều này khi trước đây ông Zhang cũng từng đầu tư hàng tỷ USD vào vũ trụ ảo, giáo dục trực tuyến, trò chơi online... nhưng phải đóng cửa hoặc bán lại.
Dẫu vậy, lần đầu tư này của ông Zhang đang có tiến triển khá tốt khi nhóm nghiên cứu của ByteDance đang xây dựng một mạch tích hợp ứng dụng tăng tốc AI (ASIC), qua đó loại bỏ sự phụ thuộc vào chip Nvidia để tự đào tạo và suy luận các mô hình AI.
Nguồn tin của FT cũng cho hay ByteDance đã phát triển các mô hình khác nhau để phù hợp với hạn chế riêng biệt tại Mỹ và Trung Quốc. Trong khi chatbot Doubao tại Trung Quốc thì bản quốc tế có tên Cici, đều dựa trên cùng 1 thuật toán nhưng sử dụng các tập dữ liệu khác nhau.
"Nhà sáng lập Zhang Yiming thấy rõ rằng ByteDance cần động lực tăng trưởng mới sau Douyin và TikTok. Ông ấy luôn nghĩ về những gì sẽ diễn ra trong năm tới, điều gì có thể kéo dài tương lai của công ty", nguồn tin thân cận của FT cho hay.
*Nguồn: FT
Lấy link