Hợp nhất 2 Bộ TT&TT và KH&CN để thúc đẩy chuyển đổi số tốt hơn

Nhấn mạnh điều quan trọng khi hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN là sẽ có một bộ mới mạnh hơn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ việc này sẽ giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia tốt hơn.


Cách tốt là học hỏi kinh nghiệm của nhau


Chiều ngày 9/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý IV/2024 của Bộ với các sở TT&TT.


Diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 66 điểm cầu, hội nghị giao ban còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long; đại diện lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành; cùng lãnh đạo cấp trưởng, phó các cơ quan, đơn vị trong Bộ.


W-giao ban Bo TTTT voi cac So TTTT 0.jpg
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý IV/2024 của Bộ TT&TT với các sở TT&TT được tổ chức chiều ngày 9/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Văn phòng Bộ TT&TT, trong quý IV/2024, các sở TT&TT đã nỗ lực đóng góp vào sự phát triển các lĩnh vực của ngành, gồm cả nhóm công nghệ số và báo chí truyền thông.


Đơn cử, về quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông, Bình Dương đã hạ ngầm, chỉnh trang cáp viễn thông trên 21 tuyến đường với tổng chiều dài 40km; Hải Phòng đạt mục tiêu 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có kết nối Internet; Hải Dương có tỷ lệ dân số được phủ sóng di động đạt 100%.


Với lĩnh vực kinh tế số, nhiều sở TT&TT đã phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nền tảng thương mại điện tử, kết nối, quảng bá sản phẩm. Chẳng hạn, Đà Nẵng phát triển nền tảng chuyển đổi số Make in DaNang, Cần Thơ đề xuất đầu tư dự án “Chợ gạo online”, Bạc Liêu xây kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp hiện diện trực tuyến...


Về báo chí, truyền thông, Thừa Thiên Huế đã xây dựng và vận hành Hệ thống mạng lưới phát ngôn của tỉnh tại trang cqs.thuathienhue.gov.vn và nền tảng Hue-S. Theo đó, đến ngày 28/11, hệ thống đã tiếp nhận, chuyển 185 câu hỏi của cơ quan báo chí đến 36 đơn vị chức năng; cung cấp 139 thông tin từ cơ quan nhà nước đến 88 cơ quan báo chí.


W-nen tang ket noi bao chi truyen thong Hue 1.jpg
Hệ thống mạng lưới phát ngôn của tỉnh Thừa Thiên Huế được vận hành chính thức từ tháng 3/2024, tích hợp trên nền tảng Hue-S. Ảnh: V.Sỹ

Trao đổi với các sở TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT và bản thân Bộ trưởng đã và đang học hỏi kinh nghiệm quốc tế về quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực của ngành.


Với các địa phương, ở mỗi lĩnh vực của ngành đều có những tỉnh làm tốt và tỉnh chưa làm tốt. Mặt khác, chuyển đổi số là mới mẻ, nên cách làm tốt là các địa phương học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Chẳng hạn, về viễn thông, hiện đã có 55 tỉnh ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn, những tỉnh còn lại có thể học theo 55 địa phương đã có kế hoạch.


Hay về chuyển đổi số, Hà Nội với nguồn lực lớn, gần đây đã làm được 3 việc: Ký được hợp đồng thuê dịch vụ cloud; chuyển được dữ liệu từ hệ thống cũ lên cloud; ra được chương trình sử dụng lại các máy tính cũ. Các địa phương khác có thể học hỏi kinh nghiệm của Hà Nội.


Để thúc đẩy việc các địa phương học hỏi kinh nghiệm của nhau, người đứng đầu ngành TT&TT giao Văn phòng Bộ dự thảo văn bản quy định các cục trưởng, vụ trưởng phải thu thập thông tin về kinh nghiệm, cách làm tốt từ các bộ, ngành, địa phương và tổ chức chia sẻ mỗi quý 1 lần. “Chẳng có gì hơn là học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.


Chuyển đổi số cần tư duy biến việc khó thành việc dễ


Tại hội nghị, đại diện một số sở TT&TT đã chia sẻ cách làm của địa phương mình, đồng thời xin ý kiến của lãnh đạo Bộ TT&TT để tháo gỡ các vướng mắc.


Cụ thể, từ kinh nghiệm triển khai thực tế, đại diện Sở TT&TT Đắk Nông cho biết, để phát hiện, xử lý thông tin xấu độc hiệu quả, cần sự chủ động phối hợp cung cấp thông tin và phương pháp xử lý phù hợp nhằm định hướng dư luận xã hội. Việc nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, trên không gian mạng sẽ ngăn chặn, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của tin giả, thông tin xấu độc.


Với Hải Phòng, địa phương đang tập trung xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho các sở, ngành. Ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng, cho biết Hải Phòng làm chuyển đổi số tập trung vào dữ liệu, hướng đến cung cấp dịch vụ dữ liệu và tận dụng tối đa việc thuê dịch vụ. Thành phố đã triển khai đồng bộ kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở, nền tảng phân tích xử lý tổng hợp và các ứng dụng AI phục vụ chỉ đạo điều hành.


Trong khi đó, Hà Tĩnh đang gặp khó khăn với một số vùng không có sóng di động. Tỉnh đã lập danh sách và mong muốn Cục Viễn thông hỗ trợ triển khai xóa các vùng lõm sóng.


W-bo truong Nguyen Manh Hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc lớn nhất và khó nhất của chuyển đổi số là làm cho dữ liệu trong các kho chứa dữ liệu lớn dần lên. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước những chia sẻ của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra nhiều gợi ý quan trọng, nhấn mạnh việc cần tư duy đơn giản hóa những vấn đề phức tạp trong chuyển đổi số.


Về xây dựng kho dữ liệu, Bộ trưởng chỉ ra rằng đây không phải việc quá khó: "Xây nhà kho dữ liệu không khó, viết ứng dụng thì vô cùng dễ, tốt nhất nên đi thuê doanh nghiệp. Bản chất sở TT&TT chỉ cần làm việc mang dữ liệu từ nhà kho cũ sang nhà kho mới". Theo Bộ trưởng, việc lớn nhất và khó nhất của chuyển đổi số là làm cho dữ liệu trong các nhà kho này lớn dần lên.


“Không thể làm được ứng dụng nếu không có đồ đạc (dữ liệu) ở trong kho. Có đồ đạc (dữ liệu) nhưng vứt lung tung ở những nhà kho xập xệ, phân tán tuy khó nhưng vẫn có thể viết ứng dụng được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.


Các sở, ngành cần làm rõ mình có những dữ liệu gì, số hóa dữ liệu chưa số hóa và cập nhật dữ liệu hàng ngày. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số nghe thì ghê gớm nhưng bản chất chỉ đơn giản là vậy".


Về xử lý vùng lõm sóng, Cục Viễn thông được giao nhanh chóng có hướng dẫn để các sở TT&TT có thể thu thập thông tin cụ thể về các điểm lõm sóng. Theo đó, cần xác định rõ tọa độ, số hộ dân cần phủ sóng và các chỉ tiêu cụ thể khác để phục vụ việc đấu thầu xóa vùng lõm sóng hiệu quả.


Bộ mới, sở mới sẽ mạnh và quan trọng hơn


Trong khuôn khổ hội nghị giao ban với các sở TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Bộ Chính trị sắp ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Các tỉnh, thành phố cần dựa vào gợi ý của Bộ TT&TT để đưa những tư tưởng, quan điểm của Trung ương vào Nghị quyết của tỉnh nhiệm kỳ tới.


Các bộ, ngành, địa phương được lưu ý 2 việc cần tập trung hoàn thành trong năm 2025. Đó là, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu để bắt đầu hoạt động dựa trên dữ liệu; kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, chuyển sang giai đoạn phát triển Chính phủ số, với mục tiêu quan trọng là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của bộ, ngành đạt 85% và địa phương là 70%.


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long ngay trong tuần này ký văn bản của Bộ giao mục tiêu cần đạt về dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho từng bộ, ngành, địa phương và gửi đích danh người đứng đầu bộ, tỉnh. Về xây dựng cơ sở dữ liệu, Bộ TT&TT trong tháng 12 cũng sẽ có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương.


Đáng chú ý, hiểu rõ sự lo lắng của đội ngũ nhân sự của Bộ và các sở TT&TT về câu chuyện hợp nhất với Bộ, sở KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc hợp nhất 2 bộ tốt cho đất nước và cho ngành. Hai Bộ TT&TT và KH&CN nhập vào nhau sẽ thành một bộ máy mạnh hơn, thúc đẩy chuyển đổi số tốt hơn.


Qua phân tích cụ thể những điểm tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Với sự cộng hưởng và hợp lực, sau hợp nhất, bộ mới cũng như các sở mới sẽ có vị thế, vai trò tốt hơn, trở thành bộ, sở đa ngành thực sự quan trọng và không thể thiếu của đất nước.


W-giao ban Bo TTTT voi cac So TTTT 1.jpg
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc các đơn vị trong Bộ cũng như các sở TT&TT duy trì hoạt động bình thường, không trễ nải công việc. Ảnh lãnh đạo các sở TT&TT dự họp trực tuyến: Lê Anh Dũng

Một lần nữa khẳng định mục tiêu sau hợp nhất, bộ mới và các sở mới phải mạnh hơn, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng: Để làm được việc này cần có sự thống nhất nhận thức, thông suốt trong lãnh đạo, tập trung lo cho việc chung, cho bộ mới, sở mới.


Lãnh đạo 2 sở TT&TT và KH&CN sắp tới phải cùng nhau bàn bạc, thống nhất. Các giám đốc sở cũng phải trao đổi, gặp gỡ các đơn vị, cá nhân để giải thích; và đặc biệt là phải đoàn kết để không xảy ra mâu thuẫn.


Đề nghị các cán bộ ngành TT&TT thống nhất nguyên tắc 2 bộ, sở lớn và quan trọng ngang nhau, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý việc duy trì hoạt động bình thường, đảm bảo không trễ nải công việc, không có tâm lý “chợ chiều”. “Cần nhìn vào khía cạnh tích cực, tốt để tập trung làm; và đặc biệt là không có sự động tâm cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung”, người đứng đầu ngành TT&TT nêu yêu cầu.









Hop nhat 2 Bo TT&TT va KH&CN de thuc day chuyen doi so tot hon


Nhan manh dieu quan trong khi hop nhat Bo TT&TT va Bo KH&CN la se co mot bo moi manh hon, Bo truong Bo TT&TT Nguyen Manh Hung cung chi ro viec nay se giup thuc day chuyen doi so quoc gia tot hon.

Hợp nhất 2 Bộ TT&TT và KH&CN để thúc đẩy chuyển đổi số tốt hơn

Nhấn mạnh điều quan trọng khi hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN là sẽ có một bộ mới mạnh hơn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ việc này sẽ giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia tốt hơn.
Hợp nhất 2 Bộ TT&TT và KH&CN để thúc đẩy chuyển đổi số tốt hơn
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: