Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ mở ra cơ hội giao dịch tài sản số hợp pháp

Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số tiếp tục được hoàn thiện và chỉnh sửa, dự kiến thông qua vào tháng 5/2025.


Sáng 6/12, tại TP HCM đã diễn ra hội thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số”, do Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức.


IMG_2248.jpg
Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT). Ảnh: Lê Mỹ

Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), cho biết trong thời đại chuyển đổi số, tài sản số đang trở thành một yếu tố quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế số thời gian tới.


Không giống các loại tài sản truyền thống, tài sản số bao gồm nhiều dạng thức như dữ liệu, nội dung số, tiền mã hóa, NFT, hay các phần mềm trí tuệ nhân tạo.


Những loại tài sản này không chỉ định hình cách thức doanh nghiệp vận hành, mà còn thay đổi cách nền kinh tế toàn cầu kết nối và tăng trưởng.


Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai những chính sách pháp lý quan trọng về tài sản số. Cụ thể, Hoa Kỳ tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng, xác định rõ ràng quyền sở hữu tài sản số và các quy định về giao dịch tiền mã hóa thông qua Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và các cơ quan liên quan.


Liên minh châu Âu ban hành Đạo luật Quản lý Tài sản số (MiCA), tập trung vào việc điều chỉnh các loại tài sản mã hóa và hệ thống thanh toán liên quan, đảm bảo tính minh bạch, an toàn, và ổn định tài chính.


Hay Singapore xây dựng môi trường pháp lý linh hoạt và hỗ trợ đổi mới, thông qua các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ blockchain, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tài chính.


Theo ông Lê Nam Trung, những kinh nghiệm này cho thấy, một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ và tiên tiến là yếu tố quyết định để phát triển tài sản số, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số.


Tuy nhiên, ông Lê Nam Trung cũng cho rằng, tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp, hiện trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ về vấn đề này.


Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số bước đầu có quy định một số nội dung cơ bản về tài sản số như định nghĩa, tiêu chí xác định, nguyên tắc quản lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đề cập đến trách nhiệm và quyền lợi người tiêu dùng.


Đây là các quy định mang tính khung, các nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, tiêu chí, nguyên tắc quản lý tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Các bộ chuyên ngành tiếp tục hướng dẫn chi tiết trong từng lĩnh vực.


Các nội dung trong dự thảo luật về tài sản số được xây dựng theo định hướng đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, nâng cao chất lượng, bảo đảm tính ổn định của các luật.


“Hiện dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số với các nội dung tiếp thu các ý kiến từ các đại biểu quốc hội, tiếp tục được hoàn thiện và chỉnh sửa, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 5/2025”, ông Lê Nam Trung nói.


IMG_2254.jpg
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA). Ảnh: Lê Mỹ

Đánh giá về tầm quan trọng của tài sản số, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết chuyển đổi số tạo ra Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhưng lại chưa có quy định về tài sản số.


Trong khi đó, theo Triple-A, năm 2024, Việt Nam có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hoá, xếp hạng 7 trên toàn cầu – hơn 85% người làm nghề tự do sở hữu tài sản mã hoá nằm trong top 1 toàn cầu và 34% người làm nghề tự do chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá (crypto); số liệu từ Chainalysis cũng cho thấy, đã có hơn 105 tỷ USD dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam năm 2023 – 2024 với lợi nhuận thu về gần 1,2 tỷ USD vào năm 2023.


Chính vì thế, việc dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến được Quốc hội thông qua vào quý 2/2025 sẽ tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người dùng; thúc đẩy kinh tế số; hoà nhập các tiêu chuẩn quốc tế về tài sản số.


Cộng đồng doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo vệ trong các hoạt động giao dịch, đầu tư, thừa kế… với tài sản số; tìm thấy cơ hội trong nền kinh tế số từ các công nghệ AI, IoT, Blockchain… Mở ra cơ hội cho người dùng cá nhân trong đầu tư, giao dịch tài sản số hợp pháp.


Đồng thời, tác động dài hạn của luật đến nền kinh tế số như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số; thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; cải thiện vị thế quốc tế của Việt Nam; tăng cường quản lý và giảm rủi ro; đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.


Theo ông Phan Đức Trung, với việc tài sản số được quy định trong 6 điều của dự thảo luật Công nghiệp Công nghệ số, tập trung vào việc làm rõ khái niệm, tiêu chí, nguyên tắc và trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản số; trong đó định nghĩa về tài sản số đã bao trùm tài sản mã hoá là một định nghĩa chuẩn, tương đồng với các quy định trong các điều luật của Mỹ và nằm trong các tiêu chuẩn kế toán quốc tế.


Phó Chủ tịch thường trực VBA đánh giá: “Luật Công nghiệp Công nghệ số ra đời mang tính thúc đẩy nhiều hơn là quản lý; Luật tham chiếu đến nhiều lĩnh vực và từ khoá quan trọng như AI, IoT, bán dẫn, nhưng có lẽ tài sản số là từ khoá quan trọng tác động vô cùng lớn tới hệ thống luật pháp Việt Nam sau khi thông qua”.









Luat Cong nghiep Cong nghe so se mo ra co hoi giao dich tai san so hop phap


Du thao Luat Cong nghiep Cong nghe so tiep tuc duoc hoan thien va chinh sua, du kien thong qua vao thang 5/2025.

Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ mở ra cơ hội giao dịch tài sản số hợp pháp

Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số tiếp tục được hoàn thiện và chỉnh sửa, dự kiến thông qua vào tháng 5/2025.
Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ mở ra cơ hội giao dịch tài sản số hợp pháp
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: