Sức gió
Một xoáy thuận nhiệt đới cần nhiều điều kiện để phát triển thành bão, cụ thể là nước ấm ít nhất 27 độ C. Sau đó, nó mạnh lên và bắt đầu quay do hiệu ứng Coriolis - xảy ra do Trái Đất tự quay quanh trục. Tốc độ xoay của những cơn bão này quyết định cấp của chúng và sức ảnh hưởng.
Bão Milton đổ bộ vào bang Florida với sức gió 193 km/h, tương đương cấp 3 trong thang đo bão 5 cấp ở Mỹ lúc khoảng 20h30 ngày 9/10 (7h30 ngày 10/10 giờ Hà Nội). Trước đó, khi di chuyển qua Vịnh Mexico, Milton tăng cường độ thành bão cấp 5, cấp mạnh nhất, với sức gió lên tới 290 km/h chỉ trong khoảng 24 tiếng. Tốc độ mạnh lên quá nhanh của Milton gây bất ngờ và khiến nó trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất từng đe dọa Mỹ.
Theo tiến sĩ Carmen Solana, chuyên gia về thảm họa tự nhiên tại Đại học Portsmouth, tốc độ gió rất quan trọng nếu xét về sức tàn phá. Gió mạnh thường gây thiệt hại lớn nhất đến các tòa nhà và công trình, đồng thời có thể cuốn theo các mảnh vỡ và tăng sức tàn phá. Công trình với khả năng chịu gió mạnh và chống bão có thể tạo ra khác biệt lớn, do đó, những nước có quy định chặt chẽ về xây dựng thường giảm được thiệt hại theo cách này.
Nước dâng và mưa lớn
Nước dâng cao và mưa lớn, dẫn đến lũ lụt và lở đất, cũng có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng. "Cách thiết kế, xây dựng và phát triển thành phố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát nước", tiến sĩ Helen Hooker, nhà khí tượng tại Đại học Reading, cho biết.
Khu vực đô thị lớn có thể xảy ra lũ quét, trong khi vùng núi hứng chịu chịu cả những hậu quả khác như lở đất. Những dòng chảy mạnh có thể cuốn theo nhiều mảnh vỡ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn. Một số nơi, gọi là thành phố bọt biển, được xây dựng tập trung vào những không gian xanh có khả năng hấp thụ nước và giảm tác động của mưa lớn.
Dù bão có tốc độ gió mạnh, phần lớn trường hợp tử vong là do những mối nguy hiểm liên quan đến nước như nước dâng, lũ lụt, sạt lở, chiếm gần 90% số người tử vong do bão. Đặc biệt ở những vùng ven biển như Florida, nước dâng do bão (storm surge) có thể là một trong những hiện tượng chết chóc nhất của một cơn bão.
Trung tâm Bão quốc gia Mỹ cảnh báo rằng bão Milton có thể gây ra đợt nước dâng kỷ lục cao 3 - 4,5 m, cũng như lượng mưa cục bộ lên tới 46 cm.
Bão Milton xuất hiện chỉ khoảng hai tuần sau khi bão Helene gây ra trận lũ lụt lịch sử và nước dâng cao hơn 4,5 m khi quét qua vùng đông nam nước Mỹ. Các bang trên đường đi của Helene hứng chịu lượng mưa lớn trước khi bão đổ bộ, nên mặt đất đã bão hòa. Điều này khiến lũ lụt có nhiều khả năng xảy ra hơn vì mặt đất không thể hấp thụ thêm nước.
Với Helene, diện tích lớn của cơn bão, quy mô lớn của những đám mây gây mưa và phạm vi lớn của gió khiến cho ngay cả thành phố cách xa hàng trăm km như Miami cũng hứng chịu gió giật mạnh hơn 110 km/h, dù cơn bão đổ bộ vào vùng Big Bend, Florida. Điều này cũng đồng nghĩa, tại bất cứ địa điểm nào trên đường đi của bão Helene cũng cần nhiều thời gian để mưa lớn qua đi.
Khả năng ứng phó của địa phương
Dù Mỹ từng trải qua nhiều cơn bão mạnh trong quá khứ, nước này có khả năng phục hồi hiệu quả so với một số nước ít phát triển hơn. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị trí địa lý, nhà ở, cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính và vật chất để tái thiết. Những cơ quan như Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) sẵn sàng ứng phó với bão, các nhà chức trách địa phương cũng có thể xây dựng nơi trú ẩn an toàn, hỗ trợ và cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Hoạt động chuẩn bị tạo ra khác biệt đáng kể với tác động của bão và tốc độ tái thiết của cộng đồng sau đó. Khi chuẩn bị ứng phó với bão Milton, bang Florida đã thực hiện nỗ lực sơ tán lớn nhất trong nhiều năm qua. Nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn so với những khu vực ít dân cư.
Một số người có thể không có phương tiện để sơ tán và làm theo lệnh an toàn, hoặc lo ngại việc sơ tán ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Ở những nơi thường xuyên xảy ra bão, người dân có thể có cảm giác "an toàn giả" nếu trước đây chưa từng bị ảnh hưởng.
Thu Thảo (Theo BBC)