Doanh nghiệp Vĩnh Phúc gia tăng năng lực cạnh tranh từ công nghệ số

Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn đang tích cực khai thác, tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ số, thương mại điện tử để phân phối, mở rộng thị trường.


Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2018, Công ty cổ phần Tinh chất Quê Việt, thôn Đồng Ăng, thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương luôn xác định để sản phẩm đến tay người tiêu dùng và được người tiêu dùng đón nhận thì cần 3 yếu tố là chất lượng, mẫu mã và kênh quảng bá sản phẩm.


Đến nay, sau 6 năm đi vào hoạt động, công ty đã xây dựng được nhà máy sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 - 2018, với nhiều dòng sản phẩm như: Trà gạo lứt, trà hoa cúc, trà thảo mộc, trà dưỡng nhan, viên tinh bột nghệ sữa ong chúa, mầm đậu nành, ngũ cốc…


Tất cả các sản phẩm đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất “An toàn - lành tính - không chất bảo quản - không chất tạo màu và phụ gia khác” và được chứng nhận tiêu chuẩn của các đơn vị có thẩm quyền, như Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế.


Doanh nghiệp Vĩnh Phúc gia tăng năng lực cạnh tranh từ công nghệ số


Gần 70% khách hàng trải nghiệm mua hàng qua các sàn thương mại điện tử quay trở lại mua hàng của Tinh chất Quê Việt
Theo đại diện Công ty cổ phần Tinh chất Quê Việt, trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại, phát triển thì doanh nghiệp phải biết cách “chạy đua” và tận dụng được những cơ hội mà công nghệ số mang lại.


Hiện công ty đã xây dựng được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp thực hiện bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki; trên các mạng xã hội facebook, tiktok... So với kênh bán hàng truyền thống thì bán hàng trực tuyến tiết kiệm chi phí các khâu trung gian.


Đặc biệt, để tạo sức hấp dẫn, thu hút khách hàng, công ty đã tổ chức chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: Giảm giá, tặng quà khi khách mua sản phẩm theo combo, tổ chức các ngày sale hằng tháng, tặng voucher cho khách hàng để khuyến khích khách hàng mua sản phẩm tiếp theo...


Kiên trì thực hiện chiến lược bán hàng trên các kênh trực tuyến, Công ty cổ phần Tinh chất Quê Việt từng bước trở thành thương hiệu quen thuộc, được nhiều khách hàng “click chuột” đặt mua trên nhiều sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm của công ty đã được Chứng nhận FDA của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, nằm trong top 50 thương hiệu xuất sắc 3 miền năm 2018; top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt năm 2019, top 50 thương hiệu mạnh ASEAN năm 2019; thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.


Năm 2022, công ty có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là trà gạo lứt Quê Việt, ngũ cốc dinh dưỡng Quê Việt, tinh bột nghệ Quê Việt… Sự vươn xa của các sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước đã giúp công ty đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 20 - 30%/năm.


Cũng tận dụng, khai thác tốt các lợi thế của công nghệ, các sàn thương mại điện tử để quảng bá, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thực phẩm Đồng Gia, thành phố Vĩnh Yên ngày càng phát triển.


Doanh nghiệp Vĩnh Phúc gia tăng năng lực cạnh tranh từ công nghệ số


Các sản phẩm của Đồng Gia Food ngày càng được khách hàng tin dùng.


Anh Đồng Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết: Thực hiện phương châm 4S “Sạch từ nguồn nhập nguyên liệu - Sạch từ quy trình sản xuất chế biến - Sạch từ công thức chế biến truyền thống - Sạch từ lương tâm của người thợ lành nghề”, 10 năm qua, từ chỗ chỉ sản xuất duy nhất sản phẩm nem thính tươi, Đồng Gia Food đã phát triển thành công thêm 5 sản phẩm mới, gồm: Nem thính bùi, nem chua tươi, giò còng tươi, giò lụa tươi và chả gầm tươi, với sản lượng tiêu thụ khoảng 800 quả nem và 100 kg giò/ngày; doanh thu đạt bình quân 8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.


Hiện các sản phẩm của công ty đã được đăng ký nhãn hiệu do Cục sở hữu trí tuệ cấp; được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất. Cuối năm 2023, công ty có 3/6 sản phẩm, gồm: Nem thính tươi, nem thính bùi, nem chua tươi được UBND thành phố Vĩnh Yên cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Vĩnh Phúc.


Theo anh Tú, chất lượng sản phẩm luôn là điều tiên quyết, nhưng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp không phát triển hình thức công nghệ số sẽ bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Bởi khách hàng ngày nay phần đa là đặt hàng, mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội.


Đi trước, đón đầu xu thế mua sắm của khách hàng, năm 2023, sản phẩm Đồng Gia Food được số hóa thương hiệu trên các trang web của tỉnh, được tỉnh lựa chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng tham gia trưng bày gian hàng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Quảng Ninh; được nhiều sở, ngành lựa chọn làm quà tặng tại các hội nghị…


Hiện các sản phẩm của Đồng Gia Food có mặt tại tất cả các gian hàng, trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh; các tỉnh, thành trong cả nước và hệ thống chuỗi siêu thị Co.opMart, Go – BigC, Bách hóa xanh… Đồng thời, được đối tác Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc quan tâm, dự định hợp tác.


Với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng quy mô lớn như: Tập đoàn Prime Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Tập đoàn Vitto, Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ… thương hiệu, vị thế cũng được tạo nên nhờ công nghệ số. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, với 6 dây chuyền sản xuất hiện đại, sử dụng robot tự động gắp gạch và dây chuyền lò nung hiện đại đến từ các hãng hàng đầu thế giới như System, Dust, Airpower, CMF Italy,… những năm qua, công ty không chỉ giảm thời gian sản xuất, số lượng hạ loại, hao hụt, chi phí sản xuất mà còn tăng chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả sản xuất cao với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, góp phần đưa Á Mỹ được vinh danh top 5 công ty vật liệu xây dựng nhóm sản phẩm gạch, đá ốp lát và top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2023.


Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, chiếm 72% tổng số doanh nghiệp. Công nghệ số phát triển, đưa kinh tế số đóng góp gần 22% vào GRDP của tỉnh và tỷ trọng kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ ngày càng tăng là do hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.


Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xác định thương mại điện tử là kênh phân phối sản phẩm chủ lực đến người tiêu dùng, bởi các kênh bán hàng trực tuyến tạo nên sự kết nối nhanh chóng, dễ dàng giữa doanh nghiệp và khách hàng. Đồng thời, tạo thuận lợi để người tiêu dùng để lại bình luận, đánh giá sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu, vị thế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp với các sản phẩm của đối thủ hoạt động trong cùng lĩnh vực.


Theo Thanh Nga (Cổng Thông tin- Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc)









Doanh nghiep Vinh Phuc gia tang nang luc canh tranh tu cong nghe so


Khong chi tap trung nang cao chat luong, mau ma san pham, cac doanh nghiep tren dia ban tinh Vinh Phuc con dang tich cuc khai thac, tan dung toi da cac loi the cua cong nghe so, thuong mai dien tu de phan phoi, mo rong thi truong.

Doanh nghiệp Vĩnh Phúc gia tăng năng lực cạnh tranh từ công nghệ số

Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn đang tích cực khai thác, tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ số, thương mại điện tử để phân phối, mở rộng thị trường.
Doanh nghiệp Vĩnh Phúc gia tăng năng lực cạnh tranh từ công nghệ số
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: