Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản (West Japan Railway) vừa ra mắt một "nhân viên" người máy khổng lồ, được thiết kế để thực hiện các công việc bảo trì trên mạng lưới đường sắt. Robot cao 12 mét, được trang bị cánh tay khổng lồ và đôi mắt to tròn, hứa hẹn sẽ giải quyết vấn nạn thiếu hụt lao động và giảm thiểu tai nạn lao động.
Sự xuất hiện của robot bảo trì đường sắt khổng lồ này như một giải pháp cho bài toán nan giải về tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản. Được biết, robot có thể hoạt động từ tháng này, thực hiện các công việc bảo trì trên mạng lưới đường sắt của West Japan Railway. Robot di chuyển trên một chiếc xe tải đặc biệt có thể chạy trên đường ray, mang trong mình sứ mệnh hỗ trợ con người trong các công việc nặng nhọc và nguy hiểm.
Với chiều cao lên tới 12 mét, robot có thể dễ dàng tiếp cận các khu vực cao và thực hiện các thao tác bảo trì phức tạp. Cánh tay robot được thiết kế để mang vác vật nặng tới 40kg, đồng thời có thể sử dụng nhiều loại phụ kiện khác nhau như cọ sơn, cưa máy,...
Người điều khiển sẽ ngồi trong một buồng lái trên xe tải, quan sát và điều khiển hoạt động của robot từ xa thông qua hệ thống camera được gắn trên "đầu" robot. Hình ảnh từ camera sẽ được truyền trực tiếp đến buồng lái, giúp người điều khiển có cái nhìn toàn cảnh và chi tiết về khu vực làm việc.
Nhiệm vụ chính của robot trong giai đoạn đầu là cắt tỉa cành cây dọc theo đường ray và sơn các khung kim loại giữ cáp phía trên tàu. Ông Kazuaki Hasegawa - chủ tịch công ty cho biết: "Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng máy móc cho tất cả các loại hình hoạt động bảo trì cơ sở hạ tầng". Dự án robot này được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu cho bài toán thiếu hụt lao động, đồng thời giảm thiểu tai nạn lao động, như té ngã từ trên cao hoặc bị điện giật.
Mặc dù sở hữu vẻ ngoài đồ sộ, robot khổng lồ này lại được thiết kế với mục đích khá "thân thiện" là làm vườn và sơn sửa. Hình ảnh robot được công bố cho thấy nó có phần đầu nhỏ bất cân xứng, đôi mắt tròn như chai nước ngọt và hai cánh tay to lớn.
Lấy link