Tháng trước, theo thông tin từ Bloomberg, Apple đã chính thức từ bỏ tham vọng sản xuất xe điện. Cụ thể, dự án sản xuất xe điện của Apple với tên mã "dự án Titan" đã chính thức bị đình chỉnh, và Apple sẽ chuyển nguồn lực sang các lĩnh vực kinh doanh mới được ưu tiên, trong đó bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI).
Tháng này, một trong những đối thủ lớn nhất của nhà sản xuất iPhone tại Trung Quốc đang cho thấy cách làm đúng đắn. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, có trụ sở tại Bắc Kinh, sẽ bắt đầu bán dòng xe điện đầu tiên của mình, Speed Ultra 7 (SU7), vào ngày 28/3 tại hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc.
Đối với Lei Jun, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tỷ phú của Xiaomi, việc ra mắt đánh dấu một thành tích phi thường. Xe điện của Xiaomi sẽ được bán chỉ ba năm sau khi công ty tuyên bố sẽ mạo hiểm vươn ra ngoài lĩnh vực điện tử tiêu dùng để sản xuất ô tô điện.
CEO Lei Jun gọi việc tham gia vào thị trường xe điện này là "sứ mệnh kinh doanh cuối cùng trong cuộc đời tôi". Xiaomi SU7 là kết quả của khoản đầu tư hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1.4 tỷ USD) để phát triển một nguyên mẫu với đội ngũ 3.400 kỹ sư.
Tháng 12, Lei Jun đã chia sẻ trải nghiệm lái 100 chiếc xe để "học hỏi từ những ưu điểm của từng chiếc" và có được "trải nghiệm thực tế" mà ông cho là cần thiết để chế tạo một chiếc xe cạnh tranh. Nỗ lực dường như đã được đền đáp: theo Xiaomi, SU7 có thể tăng tốc từ 0 đến 100 km/h trong 2.78 giây.
Giám đốc điều hành Xiaomi chia sẻ trên X: "Khi chúng tôi tiến tới kỷ niệm 3 năm hành trình sản xuất xe điện, 'Chiến đấu vì Xiaomi EV' vẫn tiếp tục thúc đẩy tôi và cả đội. Chúng tôi vẫn kiên định mục tiêu tạo ra một chiếc xe tuyệt vời!"
Giống như Apple, Xiaomi nổi tiếng nhất với việc bán điện thoại thông minh. Tại Trung Quốc, Xiaomi chiếm 13.8% thị phần smartphone, chỉ xếp sau Apple (15.7%) trong năm nay, theo dữ liệu từ Counterpoint Research.
Vì vậy, cần đặt câu hỏi rằng làm thế nào Xiaomi có thể đạt được điều mà Apple đã mất gần một thập kỷ để cố gắng?
Quyết định đóng cửa dự án xe điện của Apple được đưa ra sau khi gặp phải một số vấn đề về sản xuất, buộc công ty phải cân nhắc đến một thiết kế ít tham vọng hơn cho các tính năng tự lái, đồng thời có nguy cơ trì hoãn ngày ra mắt đến ít nhất là năm 2028.
Theo Bloomberg, Apple đã cho chạy thử nghiệm một mẫu xe minivan nguyên mẫu có biệt danh là "Ổ bánh mì" tại đường thử ở Arizona. Nhưng với khối lượng công việc khổng lồ cần thực hiện, khoản tiền khoảng 1 tỷ USD mỗi năm mà họ chi cho chiếc xe này bắt đầu trở nên khó biện minh.
Trong khi đó, Xiaomi đã tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái xe điện có sẵn ở Trung Quốc. Ví dụ, công ty Trung Quốc này đã được hưởng lợi từ quan hệ đối tác với tập đoàn Bắc Kinh Automotive Group (BAIC Group) giúp họ nhanh chóng có được giấy phép sản xuất, theo Bloomberg. Quan hệ đối tác này sẽ giúp Xiaomi sản xuất khoảng 200.000 xe điện mỗi năm.
Tất nhiên, việc sẵn sàng bán xe bây giờ không đảm bảo thành công cho Xiaomi trong lĩnh vực xe điện. Thị trường xe điện đang trải qua giai đoạn khó khăn, với các nhà sản xuất ô tô đối thủ như Tesla và BYD đang tham gia vào cuộc chiến giá để thu hút người tiêu dùng.
Xiaomi, dù chưa công bố giá cho SU7, đang hướng đến phân khúc "cao cấp". Điều này có thể là một thách thức ở Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất xe điện đang phải vật lộn với nhu cầu giảm dần. Tuy nhiên, ít nhất thì Xiaomi đã thành công trong việc hiện thực hóa điều mà Apple và CEO Tim Cook đã mơ ước trong suốt 10 năm qua.
Khi biết thông tin Apple rút khỏi lĩnh vực xe điện, ông Lei Jun cho biết đã cảm thấy "rất sốc". Trên Weibo, vị chủ tịch Xiaomi nói "hiểu sâu sắc việc sản xuất xe ôtô khó khăn như thế nào", nhưng nói thêm rằng Xiaomi đã đưa ra "lựa chọn chiến lược vững chắc" và vẫn cam kết sản xuất xe điện.
Lấy link