Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Muốn làm sách, phải biết độc giả đọc gì!

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, NXB Thông tin và Truyền thông phải thay đổi cách làm sách. Muốn làm sách phải biết độc giả đọc gì. Vì thế marketing phải đi trước.


Ngày 5/3, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã làm việc với NXB Thông tin và Truyền thông.


W--8150vaa.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với cán bộ, nhân viên NXB Thông tin và Truyền thông.

Tại buổi làm việc, Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt cho biết, trong những năm gần đây, NXB đã thực hiện trên 30 đầu sách chuyển đổi số; 100 đầu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị; 50 đầu sách về thông tin đối ngoại, tuyên truyền về chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển, đảo Việt Nam và 20 đầu sách rút gọn, sách ngắn… Năm 2023, NXB đã xuất bản 660 đầu sách


Năm 2020, NXB đã hoàn thành việc nâng cấp book365.vn thành nền tảng số phát hành sách in và được định hướng trở thành nền tảng dùng chung. Trên cơ sở nền tảng này, năm 2020, Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, thu hút trên 100 NXB và các đơn vị phát hành tham gia. Đến nay, Hội sách trực tuyến vẫn được duy trì tổ chức hằng năm vào dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam và các sự kiện trọng đại của đất nước.


Năm 2023, NXB đã hoàn thành xây dựng nền tảng sachdientu.vn. cung cấp sách, báo điện tử thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo thông tin và sách điện tử thuộc các chương trình, đề án khác do ngân sách Nhà nước cấp. Đặc biệt, nền tảng này cung cấp miễn phí công cụ làm sách điện tử cho các NXB, góp phần chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.


Ông Trần Chí Đạt cũng báo cáo về định hướng phát triển NXB Thông tin và Truyền thông trở thành NXB số và phấn đấu tự chủ vào 2025.


W-nguyen-manh-hung-8110-2.jpg
Bộ trưởng cho rằng, với thời đại công nghệ lãnh đạo cần phải có ý tưởng, cách tiếp cận độc đáo.

Cần có một khát vọng lớn


Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để NXB Thông tin và Truyền thông thành đơn vị xuất bản lớn, lãnh đạo cần phải có ý tưởng, cách tiếp cận độc đáo, "nghĩ ngược lại và làm khác đi, mở rộng tư duy".


Bộ trưởng cho rằng, với thời đại công nghệ cứ làm ngược lại. Nhưng làm ngược lại không phải là bỏ cái cũ mà làm ngược lại để để tạo ra một cái mới, bù cho cái cũ.


Theo Bộ trưởng, trước đây ta làm sách in trước, sau đó chuyển thành sách điện tử. Nay thì làm ngược lại. Sẽ phát hành sách điện tử trước, cho đọc miễn phí, nhưng khi độc giả thấy hay, thích thì sẽ in bản giấy, bán với giá đắt, theo nhu cầu riêng của từng người.


Một khía cạnh khác được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ đó là sức sống, sự đặc biệt của sách in mà sách điện tử không thay thế được.


Theo ông, một người hay đọc sách thường có vài cuốn sách hoặc nhiều thì vài chục cuốn sách yêu thích. Khi đọc một cuốn sách hay (người bố chẳng hạn), sẽ ghi chú thích: “Cuốn sách này đã giúp bố lớn lên”. Nếu sau này người bố mất đi, đó là di sản để lại cho con cái, nó còn mãi.


Bởi “mình đã cầm cuốn sách đó, đọc trang sách đó, hồn mình đã ngấm vào cuốn sách, đó là sự kéo dài sự sống của chính mình”. Có ai nghĩ cuốn sách lại kéo dài được sự sống không? Sách điện tử không bao giờ làm được điều đó” - Bộ trưởng chia sẻ.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành xuất bản ngoài làm những cuốn sách mang tính học thuật cao thì nên làm những cuốn sách để người đọc được nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề. Những sách dạng này có giá trị cho đất nước, nhưng hiện nay chưa có nhiều, ít người nghĩ tới.



W-nxb-tttt-0252-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện với cán bộ, nhân viên NXB.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, để có được ý tưởng và cách tiếp cận độc đáo thường liên quan tới công nghệ. Bởi công nghệ mới sẽ khả thi cho những ý tưởng độc đáo. Nhưng trên tất cả, vẫn là người đứng đầu, ban lãnh đạo phải có khát vọng lớn mới dung nạp được nhiều người giỏi.


“Nếu không có ý tưởng lớn lao thì không cần người giỏi. Người giỏi đôi khi hay cãi, ít khi mời mình đi uống rượu, chẳng tới nhà mình chơi… nghĩa là trong đời sống mình chẳng thích người này lắm. Nhưng nếu có khát vọng lớn thì không thể không dùng người tài. Cho nên khát vọng lớn dung nạp được nhiều người tài và nhiều ý tưởng, nhiều cách tiếp cận, công nghệ mới”. Theo Bộ trưởng, khi có khát vọng lớn sẽ quy tụ được nhiều người cùng chí hướng với mình để làm việc.


Định nghĩa lại công tác làm sách


Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý tưởng cho hoạt động của NXB. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề nghị lãnh đạo NXB Thông tin và Truyền thông “phải định nghĩa lại nghề làm sách”, bởi nghề này không còn thuần tuý như trước.


W-nguyen-thanh-la-m-8018-2.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.

Thứ trưởng cho rằng, nếu cứ tìm tác giả nổi tiếng, giáo sư đầu ngành để in sách, khoán hết sự thành công của tác phẩm cho họ - thì đó là một sự lười biếng. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo NXB cần thay đổi nhận thức, định nghĩa lại công tác làm sách, mở rộng tệp những người có thể viết sách bằng việc công nhận các độc giả trẻ, xác định các thị trường ngách. Đặc biệt, NXB phải tập trung truyền thông cho sách - phải coi đó là nhiệm vụ của mình, đồng thời phải đổi mới khâu thiết kế, trình bày sách để tiếp cận với nhiều tệp độc giả và phục vụ nhu cầu cá nhân của người đọc.


Ông Nguyễn Khắc Lịch - Vụ trưởng Vụ KHCN đề xuất, trên cơ sở nền tảng book365.vn và sachdientu.vn, NXB Thông tin và truyền thông nên tạo ra các tủ sách điện tử cho mỗi cá nhân ở trên các nền tảng này. Theo đó, nếu ở cuộc sống thực, nhiều người có riêng một tủ sách (sách in), thì nhu cầu đó trên không gian mạng cũng có tương tự.


NXB đã chú trọng đến việc CĐS công tác chuyên môn, nhưng chưa chú trọng việc CĐS quảng bá về sách, ông Hồ Đức Thắng - Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số đưa ra nhận xét và đề xuất, NXB cần ứng dụng công nghệ, CĐS việc truyền thông, giới thiệu về sách. Theo đó, muốn viết một bài giới thiệu về sách, cần phải đọc hết cuốn sách để nắm được tư tưởng, nội dung cốt lõi của cuốn sách - mất nhiều thời gian, công sức, nhưng với các ứng dụng như ChatGPT, việc này là quá đơn giản. Ngoài ra, có thể dùng công nghệ số để tạo ra những phiên bản giới thiệu sách khác nhau, phù hợp với các loại nền tảng khác nhau của mạng xã hội.


Lắng nghe và làm rõ các ý tưởng đóng góp tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã phân tích và gợi mở cho NXB Thông tin và Truyền thông những cách làm mới, cách tiếp cận độc đáo… nhưng Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác marketing trong làm sách.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây chúng ta làm sách cho “công chúng đại trà”, làm sách mà không biết độc giả là ai, đọc gì. Bây giờ phải thay đổi làm sách, phải biết độc giả là ai, đọc gì mới làm sách đó. Muốn biết như thế marketing phải đi trước.


Dẫn chứng và phân tích vai trò của marketing trong kinh doanh, từ các dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng đề nghị NXB phải nghiên cứu, triển khai hoạt động marketing, trong cơ cấu lãnh đạo của NXB tới đây, phải bố trí một người làm marketing và một người làm công nghệ.


Bộ trưởng cũng gợi ý những cách làm mới trong truyền thông, quảng bá sách. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ những người reviews, giới thiệu sách - tiến đến hình thành một nghề, đó là nghề “đọc sách thuê”.


Nếu bây giờ đang cung cấp các bài giới thiệu sách miễn phí, tiến tới người đọc phải trả tiền để đọc các bài reviews, giới thiệu về sách.


Cách làm ngược lại trong xuất bản khi ứng dụng công nghệ số vào xuất bản sách, không phải là bỏ cái cũ đi, tạo ra cái mới mà là để bù lại cho cái cũ. Thay vì trước đây sách in ra trước, sau đó mới ra sách điện tử bây giờ cho xuất bản điện tử trước, tạo ra nhu cầu rồi mới ra sách in theo nhu cầu cá nhân.


Thay vì đi tìm các tác giả nổi tiếng, tìm sách best seller để in thì tạo ra nền tảng để mọi người tham gia viết sách, tự xuất bản sách điện tử trên mạng trước rồi từ đó hình thành nên các cuốn sách.


Thay vì tự quảng bá, tự bán sách trên nền tảng riêng của mình NXB cần liên kết với các báo có lượng truy cập lớn để bán sách trên nền tảng của các báo.


Bộ trưởng khẳng định, NXB Thông tin và Truyền thông muốn tiếp cận thay đổi thế nào cũng phải nhớ tới cái gốc - là tri thức làm nghề. Chỉ có điều, cách làm ra tri thức sẽ khác xưa, không chỉ có nhà văn mới viết ra sách hay mà cả những người không có chuyên môn, đôi khi lại có những cuốn sách tốt. Chẳng hạn họ viết trải nghiệm làm nghề chắc chắn tốt hơn người chưa từng trải nghiệm.


Thị trường sách hiện tại rất đa dạng, tìm ra cuốn sách phù hợp với mọi đối tượng là việc khó, do vậy “nghề mới của NXB” là phải biết được nhu cầu từng nhóm độc giả - Bộ trưởng nhắn nhủ.


W-tran-chi-dat-7907-1.jpg
Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt báo cáo tại buổi làm việc.
W-nxb-tttt-0141-1.jpg
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên NXB.







Bo truong Nguyen Manh Hung: Muon lam sach, phai biet doc gia doc gi!


Theo Bo truong Nguyen Manh Hung, NXB Thong tin va Truyen thong phai thay doi cach lam sach. Muon lam sach phai biet doc gia doc gi. Vi the marketing phai di truoc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Muốn làm sách, phải biết độc giả đọc gì!

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, NXB Thông tin và Truyền thông phải thay đổi cách làm sách. Muốn làm sách phải biết độc giả đọc gì. Vì thế marketing phải đi trước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Muốn làm sách, phải biết độc giả đọc gì!
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: