Mới đây, nữ Chủ tịch VinFast - bà Lê Thị Thu Thủy - đã có mặt và trao đổi tại một hội thảo do tờ Nikkei và tờ Financial Times tổ chức. Hiện nay, VinFast đang nỗ lực để xe điện của mình không chỉ phục vụ cá nhân. Bà Thủy cho biết rằng phương tiện công cộng điện hóa và khả năng sử dụng nó là vấn đề mấu chốt để các thành phố trở nên thân thiện với môi trường hơn.
VinFast ngoài sản xuất các mẫu xe ô tô, xe máy điện, và sắp tới cả xe đạp điện, cho mục đích cá nhân thì còn có hàng trăm chiếc xe buýt điện mà đang phục vụ hệ thống giao thông công cộng Việt Nam. Bên cạnh đó, VinFast cũng đã có hàng chục nghìn chiếc xe máy điện đã bàn giao cho các đối tác vận tải như Grab hay Uber.
Bà Lê Thị Thu Thủy phát biểu: "Chúng tôi đã giúp đưa vận tải công cộng [thân thiện với môi trường] tới cả với những người chưa bao giờ sử dụng nó. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp xe điện dễ tiếp cận hơn với mọi người và tiến gần hơn tới tương lai di chuyển xanh".
Bà cũng cho biết rằng đa số người tham gia giao thông tại Việt Nam sử dụng phương tiện hai bánh để đi lại trên những con phố đông đúc.
Những mẫu xe đầu tiên mà VinFast giới thiệu tới công chúng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung tại Paris Motor Show 2018 là 2 mẫu xe xăng. Tới năm 2021 thì đã chuyển sang sản xuất xe điện, và hãng cũng luôn muốn mở rộng thị trường của mình ra thế giới. Indonesia là thị trường mới nhất mà VinFast chính thức gia nhập; đây cũng là nơi mà hãng sẽ đặt một nhà máy, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.
Trong kế hoạch sắp tới, các thị trường như Philippines, Malaysia, Thái Lan hay Ấn Độ đều nằm trong tầm ngắm của VinFast. Bà Thủy cho biết: "Năm nay là năm chúng tôi tiến ra thế giới". Tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, Indonesia là thị trường ngoài VIệt Nam duy nhất mà VinFast chính thức thông báo gia nhập.
Cũng theo bà Thủy, VinFast hiện đang đặt mục tiêu có mặt tại 50 thị trường nước ngoài trên thế giới tới cuối năm nay. Bà nhận định: "Xe điện là tương lai của ngành công nghiệp ô tô".
Thị trường xe điện tại khu vực Đông Nam Á vẫn đang phát triển. Dù chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng doanh số xe toàn thế giới, nhưng doanh số xe điện tại khu vực này đã tăng rất nhanh, đồng nghĩa rằng cạnh tranh trong mảng xe điện đang tăng dần lên khi các hãng xe nhỏ hơn phải đối đầu với những ông lớn như BYD của Trung Quốc hay Tesla của tỷ phú Elon Musk.
Tương tự, doanh số xe điện tại các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines hay Singapore đang tăng mạnh. Theo một đơn vị tư vấn có uy tín, giá trị trong ngành kinh doanh xe điện tại Đông Nam Á dự kiến vào năm 2035 sẽ rơi trong khoảng từ 80 tỷ USD đến 100 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với năm 2021.
Cùng góc nhìn, Chủ tịch Nissan Motor khu vực Đông Nam Á - Isao Sekiguchi - cho rằng bối cảnh xe điện đã "thay đổi rõ rệt" trong một vài năm qua tại các thị trường mới nổi như Thái Lan, Philippines hay Indonesia. Chính phủ các nước đang thúc đẩy điện hóa giao thông bằng các chính sách hỗ trợ, giúp xe điện dễ tiếp cận hơn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Isao Sekiguchi thì vẫn còn đó những thách thức mà ngành công nghiệp xe cần phải vượt qua, như độ chín của từng thị trường - về giá điện và giá xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc. Ông cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cạnh tranh khác nhau tại từng thị trường".
Điều mấu chốt để giảm phát thải các-bon có lẽ là đưa ra những mẫu xe tiêu thụ năng lượng hiệu quả nhất, bao gồm cả xe hybrid thường và xe lai điện sạc ngoài (PHEV) - đây là hai loại xe có pin và mô tơ điện hỗ trợ động cơ xăng hoạt động.
Nhật Quỳnh
Lấy link