Reshma Saujani, người giúp xóa nhòa khoảng cách giới trong công nghệ

Reshma Saujani, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Girls Who Code, không chỉ muốn nhiều phụ nữ ngồi ghế lãnh đạo công nghệ hơn, mà còn muốn sửa đổi một điều căn bản trong việc nuôi dạy nam và nữ.


Sự đa dạng giới đóng vai trò không nhỏ trong môi trường công sở, tác động đến cả văn hóa lẫn lợi nhuận doanh nghiệp. Năm 2017, một báo cáo của McKinsey tìm ra mối tương quan trực tiếp giữa lợi nhuận và đa dạng. Những công ty trong top 25 đa dạng giới ở cấp điều hành có khả năng đạt lợi nhuận trên trung bình cao hơn 21%.


Dù vậy, khoảng cách giới khổng lồ vẫn tồn tại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ. Reshma Saujani hiểu rõ điều này hơn ai hết. Là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Girls Who Code (những cô gái lập trình), bà lại không có chút kiến thức nào về lập trình hay xuất thân từ đây. Gia đình bà từ Ấn Độ tị nạn đến Mỹ năm 1973.


“Dù cha tôi mệt thế nào, ông vẫn luôn ôm tôi mỗi buổi tối và đọc cho tôi nghe về Dr. King và Mahatma Gandhi. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thực sự biết được mình muốn gì. Tôi muốn thay đổi thế giới, tạo sự khác biệt, muốn cống hiến cho đất nước đã cứu cuộc đời cha mẹ tôi”, bà hồi tưởng.


98578him.png
Reshma Saujani (áo xanh) bên các thành viên của Girls Who Code (Ảnh: Cnet)

Sau khi tốt nghiệp trường luật với nợ nần chồng chất, Reshma trở thành luật sư tại một hãng luật. Tuy nhiên, năm 33 tuổi, bà quyết định nghỉ việc và muốn tham gia chính trường, tranh cử một vị trí trong Quốc hội. Bất chấp 10 tháng nỗ lực, bà thất bại.


Song, thất bại đó không làm bà gục ngã. Thực tế, nó lại dẫn đến thành công lớn nhất của bà, đó là tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo kỹ năng lập trình và máy tính sớm cho các cô gái – Girls Who Code.


Câu chuyện bắt đầu khi Reshma ghé thăm một số trường học tại New York trong thời gian tranh cử. Bà bước vào các lớp học khoa học máy tính và robot để rồi chứng kiến cảnh rất nhiều cậu bé có mặt ở đây nhưng không có học sinh nữ và da màu. Sau khi không thể vào Quốc hội, bà quyết định tạo ra cơ hội và giúp đỡ mọi người chạm tới “giấc mơ Mỹ”. “Năm 2010, công nghệ chính là nơi tương lai thuộc về. Điều đó đã truyền cảm hứng thôi thúc tôi mở Girls Who Code”.


Từ năm 2012 đến năm 2022, hơn 115.000 cô gái tại nhiều bang của Mỹ và các quốc gia khác đã hoàn thành chương trình đầy đủ của Girlds Who Code. Tổ chức tập trung vào việc dạy các kỹ năng cứng cần thiết để thành công nhưng không quên các kỹ năng mềm như khả năng thích ứng, bản lĩnh và khả năng đứng lên, cất cao tiếng nói. Theo Reshma, người ta tin rằng để trở thành lập trình viên, họ phải là thiên tài, siêu thông minh, siêu giỏi toán và khoa học.


“Là phụ nữ, chúng ta sẽ tự nói với bản thân ‘mình rất kém và ngốc nghếch, mình không làm được’. Tôi thấy rõ điều này tại Girls Who Code. Học viên thường gọi cho giáo viên để nói ‘con không biết lập trình’. Giáo viên nhìn thấy màn hình trống trơn nhưng nếu bấm nút undo, cô ấy biết được học viên đó đã viết mã nhưng rồi lại xóa đi. Vì vậy, thay vì cho giáo viên thấy quá trình của mình, học viên lại không cho xem gì cả. Nó chính là suy nghĩ ‘hoàn hảo hoặc không gì cả’”.


Reshma tin rằng khao khát hoàn hảo là lý do chính khiến phụ nữ rút khỏi các ngành học như lập trình, khoa học máy tính. Họ có sẵn định kiến trong đầu. Do đó, bà muốn giúp thay đổi điều đó cũng như thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ.


Đối với phái nữ, bà cho rằng chìa khóa chính là “tình chị em”. “Chúng ta cần tạo ra môi trường mà khi bị xâm chiếm bởi sự hoài nghi bản thân, các cô gái sẽ có cộng đồng xung quanh ủng hộ và nói bạn có thể làm được. Điều quan trọng là các cô gái không có cảm giác mình là người duy nhất đang học hỏi”. Ngoài ra, phụ nữ cũng cần là cố vấn cho người khác trong sự nghiệp. Khi phụ nữ thành công, họ cần giúp đỡ người làm làm được như vậy.


Đối với nam giới, họ cần hỗ trợ các đồng nghiệp nữ, cần lên tiếng cũng như lắng nghe, chia sẻ với phụ nữ. Đàn ông đừng là người nói 80% trong cuộc họp.


Đối với cha mẹ, nhiều người đang làm sai cách khi dạy con gái tự tin. Đó là nếu con gái làm không tốt trong bộ môn nào đó, họ sẽ cho con thi môn khác để cảm thấy bản thân tài giỏi. Reshma cho rằng làm như vậy là giết chết khả năng phục hồi của các cô bé. Đừng để con gái chạy trốn khỏi khó khăn, thay vào đó, hãy dạy chúng cách thoải mái khi đối đầu với thách thức, bà đưa ra lời khuyên.


Cuối cùng, một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ nên ghi nhớ là cẩn trọng với lời nói của mình vì những đứa trẻ đang lắng nghe. “Tất cả những phán xét của chúng ta với bản thân, trẻ sẽ suy nghĩ và bắt đầu làm như vậy với chính bản thân chúng. Chúng ta cần theo dõi cách chúng ta đối xử với chính mình vì trẻ con sẽ lặp lại điều đó”.









Reshma Saujani, nguoi giup xoa nhoa khoang cach gioi trong cong nghe


Reshma Saujani, nha sang lap to chuc phi loi nhuan Girls Who Code, khong chi muon nhieu phu nu ngoi ghe lanh dao cong nghe hon, ma con muon sua doi mot dieu can ban trong viec nuoi day nam va nu.

Reshma Saujani, người giúp xóa nhòa khoảng cách giới trong công nghệ

Reshma Saujani, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Girls Who Code, không chỉ muốn nhiều phụ nữ ngồi ghế lãnh đạo công nghệ hơn, mà còn muốn sửa đổi một điều căn bản trong việc nuôi dạy nam và nữ.
Reshma Saujani, người giúp xóa nhòa khoảng cách giới trong công nghệ
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: