Vào thứ Tư, có thông tin cho rằng Apple đã hủy bỏ tài khoản nhà phát triển được cấp gần đây cho Epic ở Thụy Điển với mục đích ra mắt Fortnite và Epic Games Store trên các thiết bị của Apple ở châu Âu.
“Chúng tôi đã yêu cầu Apple giải thích thêm về điều này theo DMA (Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số),” một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nói với Reuters, đề cập đến một quy định mới của EU nhằm đảm bảo rằng các công ty như Apple không sử dụng vị trí thống trị của họ trên thị trường để ngăn chặn cạnh tranh.
“Chúng tôi cũng đang đánh giá xem hành động của Apple có khiến nghi ngờ về việc tuân thủ DSA (Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số) và P2B (Quy định Cổng giao dịch Doanh nghiệp - Doanh nghiệp) của họ hay không, do mối liên hệ giữa tư cách thành viên chương trình nhà phát triển và App Store được chỉ định là VLOP (nền tảng trực tuyến rất lớn).”
Epic cho rằng quyết định của nhà sản xuất iPhone là “vi phạm nghiêm trọng DMA và cho thấy Apple không có ý định cho phép cạnh tranh thực sự trên các thiết bị iOS”.
“Họ đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh của chúng tôi và họ đang cho các nhà phát triển khác thấy điều gì sẽ xảy ra khi bạn cố gắng cạnh tranh với Apple hoặc chỉ trích các hoạt động không công bằng của họ.”
Trong tuyên bố của riêng mình, Apple cho biết họ có quyền chấm dứt tài khoản nhà phát triển dựa trên các phán quyết của tòa án từ cuộc chiến pháp lý chống độc quyền lâu dài với Epic.
“Vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ hợp đồng của Epic đối với Apple đã khiến các tòa án xác định rằng Apple có quyền chấm dứt 'bất kỳ hoặc tất cả các công ty con, chi nhánh và / hoặc các thực thể khác thuộc sở hữu hoàn toàn của Epic Games' bất cứ lúc nào và theo quyết định riêng của Apple'," một phát ngôn viên của Apple nói.
Được biết, đây là những chuỗi sự kiện diễn ra ra sau khi Apple thông báo kế hoạch hỗ trợ việc cài đặt ứng dụng từ các nguồn thứ ba trên hệ điều hành iOS tại Liên minh châu Âu (EU), đáp ứng trước thời điểm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) bắt đầu có hiệu lực vào tuần lễ bắt đầu ngày 7/3 theo giờ địa phương.
Epic Games, trong tháng 2, đã vội vã thông báo về việc họ sẽ ra mắt một cửa hàng ứng dụng độc lập trên iOS và tái phát hành trò chơi Fortnite trên nền tảng này, bù đắp cho việc trò chơi bị Apple gỡ bỏ khỏi App Store vào năm 2020. Hãng này đã thông báo về việc họ đã đạt được quyền truy cập vào tài khoản nhà phát triển tại chi nhánh Epic Games ở Thụy Điển vào ngày 16/2, đánh dấu sự kết thúc của lệnh cấm mà Apple áp đặt, cũng như sự loại bỏ của Fortnite hơn ba năm trước. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như Epic Games mong đợi.
Dù việc Apple chấm dứt tài khoản nhà phát triển đã tạo ra thách thức cho kế hoạch của Epic Games trong việc phát hành cửa hàng ứng dụng riêng trên iOS, CEO Tim Sweeney đã bày tỏ sự lạc quan rằng công ty vẫn có cơ hội đưa Fortnite trở lại nền tảng này thông qua một cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba khác tại EU.
Trong khi đó, vào ngày 4/3, EU đã quyết định phạt Apple số tiền 1,8 tỷ euro (1,95 tỷ USD) vì hành vi vi phạm luật chống độc quyền của Liên minh, cản trở sự cạnh tranh bằng cách hạn chế thông tin về các phương thức thanh toán ngoài App Store đối với Spotify và các dịch vụ âm nhạc trực tuyến khác.
Cơ quan thực thi luật cạnh tranh của EU đã chỉ trích Apple về các biện pháp hạn chế, coi đó là các điều kiện giao dịch bất công, đánh dấu một luận điểm tương đối mới trong vấn đề chống độc quyền. Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng họ đã áp dụng mức phạt bổ sung 1,8 tỷ euro như một biện pháp răn đe, do những tổn thất không chỉ giới hạn về mặt tài chính mà Apple gây ra.
Ủy viên EU phụ trách chống độc quyền, Margrethe Vestager, đã lên án Apple về việc lạm dụng vị thế thống trị của mình trong việc phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến qua App Store, hạn chế quyền lợi của các nhà phát triển trong việc thông báo cho người dùng về các dịch vụ thay thế, có giá rẻ hơn. Điều này, theo luật EU, là không hợp pháp.
Cùng lúc, EC đã yêu cầu Apple loại bỏ các hạn chế này trên App Store, nhắc lại yêu cầu đã đưa ra theo Đạo luật DMA mà công ty phải tuân thủ từ ngày 7/3.
Trong khi đó, Apple đã bày tỏ sự không đồng ý với quyết định này, cho rằng EC đưa ra phán quyết mà không dựa trên bằng chứng vững chắc nào về thiệt hại đối với người tiêu dùng và phớt lờ thực tế về một thị trường đang phát triển và cạnh tranh. Công ty tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định này.
Quyết định của EC dựa trên một khiếu nại từ năm 2019 của Spotify (Thụy Điển) về việc Apple ngăn cản ứng dụng tiếp cận người dùng và áp đặt phí App Store 30%.
Apple cũng đang tìm cách giải quyết một cuộc điều tra chống độc quyền khác của EU, thông qua việc mở cửa hệ thống thanh toán di động của mình cho các đối thủ, hy vọng sẽ được cơ quan quản lý và người tiêu dùng chấp nhận, tránh khỏi mức phạt.
Lấy link