Nhà mạng đầu tư không dưới 1.500 tỷ đồng cho 5G
Phát biểu về vấn đề triển khai 5G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết: Việt Nam đã thử nghiệm dịch vụ này mấy năm qua. Theo quan điểm của Bộ TT&TT, 5G là hạ tầng số, phải đi trước một bước để cung cấp dịch vụ đi kèm.
“Hiện doanh thu viễn thông truyền thống có xu hướng giảm mạnh và dịch vụ OTT dần thay thế. Dịch vụ OTT phát triển nhanh, nhu cầu dịch vụ mới, chất lượng và tốc độ cao sẽ được mở rộng. Khi Cục Viễn thông tham vấn, các nhà mạng đều khẳng định mong muốn được cung cấp dịch vụ 5G. Trong 2 năm đầu tiên triển khai 5G, các doanh nghiệp sẽ triển khai 5000 trạm 5G tại khu công nghiệp và chống nghẽn cho 4G tại thành phố đông dân cư. 5G có độ trễ thấp, tốc độ cao, sẽ giúp nhà mạng có cơ hội kinh doanh mới tại các khu công nghiệp, mở không gian mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội”, ông Nhã nói
Trước đó, đại diện Cục Viễn thông cho hay điều kiện để cấp phép 5G là nhà mạng phải đầu tư trong 3 năm đầu không dưới 1.500 tỷ đồng.
Chia sẻ tiếp về vấn đề 5G tại Việt Nam, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, cho biết hiện công nghệ 5G đã chín muồi so với 2 - 3 năm trước. Các nhà mạng qua thời gian thử nghiệm đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ 5G và bây giờ họ quan tâm đến việc đấu giá băng tần cho 5G. Việc đấu giá băng tần 5G sẽ được thực hiện vào chiều thứ 6 ngày 8/3. Hiện đa số quốc gia trên thế giới đều chọn hình thức đấu giá vì thế giới thừa nhận đây là hình thức minh bạch nhất.
Nhà mạng sẵn sàng triển khai 5G
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động – Viettel Telecom, sau khi được trải nghiệm 5G, 100% người dùng chia sẻ mong muốn Việt Nam sớm triển khai 5G để họ được sử dụng công nghệ mới với tốc độ cao hơn.
Viettel đã thử nghiệm 5G ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với hơn 1 triệu lượt trải nghiệm. Hầu hết khách hàng tham gia trải nghiệm đều cảm nhận rõ rệt tốc độ 5G mang lại.
Nhu cầu sử dụng 5G của người dân thì nhiều nhưng số thiết bị hỗ trợ 5G còn thấp, chỉ chiếm khoảng 17-20%.
Trước thực trạng này, Viettel sẽ lựa chọn ưu tiên triển khai 5G ở những khu vực có nhu cầu cao, với tỷ lệ máy điện thoại hỗ trợ 5G cao. Cùng với đó là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm đổi mới sáng tạo...
Theo đại diện VNPT, đơn vị này đã triển khai thử nghiệm 5G từ sớm, hiện diện ở gần 20 tỉnh, thành phố và xuất hiện ở các sự kiện, lễ hội, phục vụ cho du lịch. Trong quá trình thử nghiệm, với khách hàng thông thường, họ sẽ cảm nhận được sự thay đổi về độ trễ, tốc độ. Hiện khoảng 18% thiết bị của người dùng VNPT đã có 5G. Tỷ lệ thiết bị 5G sẽ tăng lên rất nhanh khi VNPT chính thức cung cấp dịch vụ này.
Khi cân đối các yếu tố về thị trường, đầu tư phát triển, việc triển khai thương mại hóa 5G ở Việt Nam đã bắt đầu có hiệu quả. Do vậy, VNPT cũng bày tỏ mong muốn cần thúc đẩy sớm việc thương mại hóa 5G.
Đại diện MobiFone cho biết hiện nhà mạng này có khoảng 16-17% số lượng thiết bị đầu cuối của người dùng trên mạng lưới hỗ trợ 5G. Đại diện MobiFone chia sẻ mong muốn thúc đẩy việc sử dụng chung hạ tầng mạng 5G nhằm rút ngắn thời gian, khối lượng đầu tư và giảm thiểu rủi ro cho các nhà mạng.