Hàng trăm tài năng công nghệ trẻ tụ họp tại California trong một cuộc thi hackathon kéo dài hai ngày. Song, thay vì phát triển ứng dụng di động hay chatbot AI, họ thi tài xâm nhập công cụ do thám, hệ thống tác chiến điện tử hay các giải pháp chống máy bay không người lái (drone/UAV) có thể sử dụng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong nhiều năm, giới công nghệ luôn phản ứng mạnh mẽ với những start-up phát triển vũ khí chết chóc. Hàng nghìn nhân viên Google đã biểu tình yêu cầu công ty chấm dứt thoả thuận mà gã khổng lồ tìm kiếm ký kết với Lầu Năm Góc về việc phát triển drone AI.
Các cuộc điều đình lan sang cả thời Tổng thống Trump, với kế hoạch bán thiết bị đeo thực tế tăng cường cho quân đội Mỹ hay công cụ nhận diện khuôn mặt cho cơ quan nhập cảnh biên giới phía Nam.
Song, công nghệ quân sự đang là một trong những lĩnh vực hút tiền hàng đầu hiện nay. Theo hãng dữ liệu PitchBook, trong giai đoạn 2021 đến 2023, các nhà đầu tư đã đổ hơn 108 tỷ USD vào những tập đoàn quốc phòng, phát triển hàng loạt loại vũ khí, từ tên lửa siêu thanh, thiết bị đeo hỗ trợ tác chiến cho đến hệ thống giám sát vệ tinh. Ước tính, đến năm 2027, thị trường này sẽ vượt 184 tỷ USD.
Sự “cởi mở” của giới trẻ
Theo Rasmus Dey Meyer, thành viên ban tổ chức tại Đại học Ngoại vụ Georgetown, sự hoài nghi với công nghiệp quốc phòng đã mờ nhạt khi thế hệ trẻ ngày nay lớn lên trong tiếng bom đạn từ những cuộc xung đột khắp nơi trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, theo mạng lưới các nhà đầu tư quốc phòng (DIN), ở Mỹ đã xuất hiện thêm hàng chục quỹ đầu tư cho các lĩnh vực như công nghệ quân sự, công nghệ sâu, công nghệ cứng và công nghệ không gian.
Phần lớn các quỹ đều gắn với những thương hiệu của những nhà thầu quốc phòng đình đám như American Dynamism Fund (của Andreessen Horowitz), Global Resilience Fund (General Catalyst) hay Shield Capital. Tuần trước, vườn ươm công nghệ Y Combinator cũng thông báo thành lập quỹ mới dành cho lĩnh vực quân sự, không gian và robot.
Vào thời điểm 2014, chỉ có một công ty công nghệ được bán cho Bộ Quốc phòng Mỹ, thì đến năm 2024, con số các doanh nghiệp phát triển công nghệ quân sự đã lên tới hàng chục, trong đó ít nhất có 7 “kỳ lân” có vốn hoá trên 1 tỷ USD.