Tự chủ về chip trong quốc phòng là yếu tố sống còn để đảm bảo an ninh quốc gia, tránh phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế và giảm rủi ro về bảo mật.
Song hành cùng mục tiêu này, CT Semiconductor đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong tất cả các khâu bài bản đi từ đào tạo chuyên ngành ATP phục vụ cho các công ty OSAT, R&D đến sản xuất theo mô hình 4.0.
Đặc biệt, CT Semiconductor có đầy đủ năng lực triển khai chương trình đào tạo kỹ thuật viên lắp ráp, kiểm nghiệm và đóng gói bán dẫn (ATP), nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên tiến trong khu vực.
Với năng lực triển khai đào tạo khoảng 1.000 kỹ thuật viên mỗi năm khi sở hữu hệ sinh thái đào tạo và sản xuất tích hợp, với đội ngũ chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm, chương trình đào tạo kỹ thuật viên ATP không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực mà còn kỳ vọng góp sức đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
CT Semiconductor đã khánh thành Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên ATP Chip Bán dẫn tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Hà Nội vào tháng 10/2024, đặt mục tiêu đào tạo 8.000 kỹ thuật viên bán dẫn đến năm 2030. Với trung tâm đào tạo này, các kỹ sư giàu kinh nghiệm từ nhiều nước sẽ đào tạo chuyên sâu cho các nhân sự hạt giống theo chương trình “Đào tạo thầy - Train for the Trainer” về lắp ráp, kiểm tra, đóng gói chip bán dẫn cho các kỹ sư và sinh viên năm cuối các ngành liên quan về điện tử để làm chủ công nghệ ATP.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tập trung vào việc thiết kế một số loại Chip chuyên ngành như Chip cho UAV, Chip cho truyền tải dữ liệu tại các LAB của chúng tôi”, đại diện CT Semiconductor chia sẻ.
Đại diện CT Semiconductor chia sẻ: “CT Semiconductor tập trung vào việc tự chủ công nghệ và xây dựng hệ sinh thái bền vững. Công ty chúng tôi đang là đối tác tin cậy chuyên lắp ráp, thử nghiệm kiểm định và đóng gói chip bán dẫn (ATP) trong nhóm các công ty OSAT (Outsourced Semiconductor Assembly and Test).
Chúng tôi cũng đã đầu tư tại TP. Thủ Đức, TP.HCM một nhà máy bán dẫn trị giá khoảng hơn 100 triệu USD, đây là nhà máy ATP đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ mà không phải là nhà máy của FDI nào cả. Cùng với đó là 2 nhà máy ATP khác, tổng cộng là 3 nhà máy (2 ở miền Nam và 1 ở miền Bắc), 2 trung tâm R&D ở TP.HCM, Hà Nội và 2 trung tâm kiểm soát khách hàng ở Silicon Valley, California và Phoenix, Arizona.”
Việc CT Semiconductor đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển… thể hiện quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ bán dẫn, hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm công nghệ cao trong khu vực.
Là thành viên của CT Group - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ cao với 8 ngành công nghệ lõi 4.0, CT Semiconductor đang nhận được sự hỗ trợ toàn diện để phát triển ngành chip bán dẫn theo định hướng, chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam, công ty hướng đến trở thành nhà làm ATP bán dẫn số 1 Việt Nam vào năm 2026.
Minh Hòa