2023 là một năm đầy thăng trầm của thị trường tài chính toàn cầu dưới tác động của suy thoái kinh tế, bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia,… Thế nhưng, khó khăn thách thức không thể cản bước chân của người Việt chinh phục sân chơi toàn cầu. VinFast niêm yết thành công trên Nasdaq, tạo nên tiếng vang lớn trên trường quốc tế.
Trước đó, VinFast đã trải qua một hành trình 6 năm đầy thách thức nhưng cũng nhiều kỳ tích. Từ bãi đầm lầy ven biển Hải Phòng đến nhà máy VinFast được hoàn thành sau 21 tháng khởi công, lập kỷ lục trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Từ những chiếc ô tô điện đầu tiên đến lô hàng xuất khẩu hàng nghìn chiếc sang Mỹ, nhà máy sản xuất xe điện ngay tại Bắc Carolina và bây giờ là sàn chứng khoán Mỹ.
Một quyết định mang tính bước ngoặt, gây bất ngờ với nhiều người là việc VinFast dừng toàn bộ hoạt động sản xuất xe xăng để chuyển sang ô tô điện đầu năm 2021. Không ít ý kiến cho rằng đây là giải pháp tình thế nhưng thực tế VinFast ngay từ khi thành lập đã hướng mình trở thành một hãng xe điện thông minh toàn cầu.
Xe điện là xu hướng của tương lai, điều này không thể chối bỏ. Các hãng xe lớn trên thế giới cũng có phương án chuyển đổi sang sản xuất xe điện, nhưng chưa thể thực hiện vì nhiều lý do. VinFast bắt đầu từ số 0, không bị trói buộc từ các sản phẩm, tư duy cũ. Công ty cũng đầu tư hệ thống nhà máy tương thích với xe điện ngay từ đầu để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt và ổn định hơn.
Thời điểm quyết định "all in" vào xe điện cũng là lúc tập đoàn Vingroup bắt đầu xem xét kế hoạch IPO trực tiếp VinFast tại Mỹ nhằm huy động vốn phục vụ kế hoạch tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, yêu cầu về hồ sơ khắt khe và thủ tục IPO phức tạp khiến kế hoạch cần thêm thời gian.
Nút thắt được tháo gỡ vào tháng 4/2023 khi VinFast nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 2,5 tỷ USD từ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, qua đó giúp công ty gỡ bỏ được áp lực huy động vốn. Nhờ đó, thay vì đặt mục tiêu huy động vốn như ban đầu, VinFast rút lại đơn đăng ký IPO đã nộp trước đó để triển khai phương án hợp nhất một công ty đang niêm yết trên Nasdaq và tiến bước lên sàn chứng khoán hàng đầu thế giới. Kết quả sau đó chính là phiên chào sàn thành công ngoài mong đợi.
Lễ bấm chuông niêm yết chỉ kéo dài hơn 10 phút nhưng để đến được phố Wall, đội ngũ của VinFast đã trải qua 2 năm làm việc hết công suất, vượt qua nhiều khó khăn do thị trường tài chính có nhiều biến động. Sự kiện là một lời khẳng định cho hướng đi đúng đắn và quyết tâm của VinFast và tập đoàn mẹ Vingroup.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên của Vingroup hồi tháng 5/2023 (3 tháng trước ngày VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ), Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh, Vingroup là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thành đạt, đã có năng lực nhất định thì phải có đóng góp cho đất nước, đóng góp thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp cao, tạo ra sức ảnh hưởng, quan tâm trên trường quốc tế.
"Nếu chỉ kinh doanh kiếm tiền thì không dại gì lao vào lĩnh vực khó khăn gian khổ thế. Dễ thì không đến lượt chúng ta làm. VinFast thể hiện trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước của chúng tôi, không có toan tính trong đó", Chủ tịch Vingroup khẳng định.
Sự kiện niêm yết cổ phiếu VinFast được Nasdaq truyền hình trực tiếp trên internet, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi. Đây chính là lời chào không thể ấn tượng hơn để VinFast chính thức bước ra thế giới và nói về những gì mình đã và đang làm, điều chưa từng có công ty nào ở Việt Nam làm được.
Sau cú rung chuông lịch sử ngày 15/8, cổ phiếu VinFast chính thức chào sàn Nasdaq với giá 22 USD/cp, tương đương mức định giá xấp xỉ 50 tỷ USD. Sức nóng của VinFast ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư toàn cầu, cổ phiếu này giao dịch rất sôi động với thanh khoản có phiên lên đến cả tỷ USD.
Giá trị vốn hóa của VinFast cũng tăng chóng mặt sau khi lên sàn và có thời điểm đã xấp xỉ 160 tỷ USD, chỉ kém 2 gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô là Tesla và Toyota. Dù sự hưng phấn sau đó đã hạ nhiệt nhưng mức vốn hóa hiện tại vẫn đủ để VinFast có một vị trí vững vàng trong top các doanh nghiệp sản xuất xe điện giá trị nhất thế giới.
Tại ngày 12/12, VinFast có vốn hóa vào khoảng 15 tỷ USD, xếp thứ 4 trong danh sách các nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, chỉ sau những tên tuổi "đình đám" như Telsa, Li Auto, hay Rivian. Đây thực sự là một con số ấn tượng đối với một tân binh vừa niêm yết cũng như một hãng xe "trẻ trung" mới có 6 năm tuổi.
Thực tế, đây mới chỉ là điểm khởi đầu trong một hành trình dài của VinFast. Dù vậy, việc niêm yết thành công trên Nasdaq đã cho thấy sự thay đổi về chất, căn bản, chứ không chỉ đơn thuần về quy mô. Sự kiện đã thể hiện được tầm nhìn dài hạn, những bước đi được tính toán kỹ lưỡng để sẵn sàng đương đầu với những thách thức tại thị trường vốn khốc liệt nhất thế giới.
"Mức vốn hóa tuy có bất ngờ, nhưng chúng tôi biết rằng giá trị công ty còn nhiều hơn thế. Những kết quả đạt được bước đầu của VinFast cũng mang tính khích lệ để tiến bước trên con đường chinh phục thế giới", bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Toàn cầu VinFast chia sẻ sau sự kiện VinFast chào sàn ngoài mong đợi.
Không chỉ là sự thay đổi về mặt định giá, thương vụ niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ còn mở rộng cánh cửa để VinFast/Vingroup tiến sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế. Thực tế, chỉ thời gian ngắn sau khi niêm yết, VinFast đã nhận được những thoả thuận đầu tư "khủng" từ các tổ chức nước ngoài.
Trung tuần tháng 10, Yorkville Advisor, một quỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm, đã cam kết đầu tư tối đa 1 tỷ USD vào VinFast thông qua mua cổ phiếu phổ thông VFS, vào bất kỳ thời điểm nào trong 36 tháng. "VinFast là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện. Yorkville rất hào hứng khi được tham gia vào quá trình phát triển và tăng tưởng của công ty", ông Mark Angelo, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Yorkville Advisor chia sẻ.
Trước VinFast, các thành viên trong hệ sinh thái Vingroup vốn cũng là một điểm đến quen thuộc của dòng vốn ngoại tại thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua nhờ sự minh bạch, chuyên nghiệp và đẳng cấp...Với sự tin tưởng của giới đầu tư, tập đoàn và các công ty con đã huy động được hàng tỷ USD từ các tổ chức quốc tế trong một thập kỷ trở lại đây.
Nổi bật nhất phải kể đến thương vụ IPO từng gây được tiếng vang trong quá khứ của Vinhomes. Với giá trị giao dịch kỷ lục 1,35 tỷ USD, Vinhomes đã được Finance Asia, The Asset và IFR Asia đồng loạt vinh danh là thương vụ phát hành thành công nhất khu vực châu Á và Việt Nam năm 2018. Đến hiện tại, đây vẫn là thương vụ IPO lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Trước đó, vị trí này thuộc về Vincom Retail với thương vụ IPO trị giá 743 triệu USD diễn ra tháng 11/2017.
Sự hiện diện của VinFast, một thương hiệu Việt Nam trên sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới được kỳ vọng sẽ thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên quen thuộc với các tổ chức quốc tế. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tìm đến trong tương lai nhờ tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn.
Việc gọi vốn thành công ở Mỹ, một thị trường có tính minh bạch cao, đòi hỏi các điều kiện niêm yết chặt chẽ, đã tạo ra tiếng vang rất lớn ở thị trường tài chính quốc tế. Vingroup đã từng niêm yết trái phiếu tại Singapore, nhưng thành công đưa VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ sẽ làm gia tăng vị thế của doanh nghiệp nhiều hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch FIDT, với việc đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của SEC và các nhà đầu tư quốc tế, VinFast được niêm yết tại Mỹ là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực và quyết tâm của doanh nghiệp trong vòng gần một năm qua. Sự kiện này sẽ đánh dấu bước ngoặt cho VinFast/Vingroup nói riêng và thị trường vốn Việt Nam nói chung.
Thương vụ "vô tiền khoáng hậu" được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý và định hướng. "Đây chắn chắn sẽ là một câu chuyện truyền cảm hứng, một "case study" để các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thêm động lực, kinh nghiệm để có thể "nối gót" VinFast đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế" – ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.
Đương nhiên, chỉ cảm hứng là chưa đủ, các doanh nghiệp phải xây dựng nền tảng cực kỳ vững mạnh để đạt tiêu chuẩn niêm yết quốc tế. VinFast với sự hậu thuẫn của Vingroup là một ví dụ điển hình. Việc niêm yết thành công đã thể hiện sự linh hoạt, nói là làm, quyết tâm của VinFast và Vingroup trong bối cảnh thị trường vốn toàn cầu có nhiều biến động.
Trên nền tảng nội lực vững chắc từ Vingroup, VinFast đã cho thấy những nỗ lực không ngừng trong việc theo đuổi giấc mơ xe điện đến cùng. Đây có thể coi là một điều kiện tiên quyết giúp thuyết phục giới đầu tư toàn cầu qua đó làm nên thành công cho thương vụ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Bước đi thành công của VinFast được kỳ vọng sẽ mở ra con đường, thôi thúc thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn vươn ra thế giới, như lời chia sẻ của bà Lê Thị Thu Thuỷ tại sự kiện niêm yết mang tính lịch sử "Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới".
Lấy link