Chưa đầy 5 năm sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ gần như làm tê liệt Huawei Technologies Co., gã khổng lồ công nghệ hiện là vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến về chất bán dẫn – thứ được coi là sẽ định hình nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
Vai trò của Huawei trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc vượt xa những gì đã được đưa tin trước đây. Ngoài việc là khách hàng quan trọng nhất của các nhà sản xuất và thiết kế chip hàng đầu đất nước, Huawei còn tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các công ty nhỏ hơn trong các lĩnh vực chiến lược của chuỗi cung ứng chip. Huawei thường không tiết lộ về những việc làm này của mình – điều khiến Mỹ có thể áp đặt các lệnh hạn chế lên ông lớn công nghệ Trung Quốc này.
Sự hỗ trợ của nhà nước dành cho Huawei cũng đã đạt đến mức chưa từng có. Bloomberg đã phát hiện ra một mạng lưới các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư của chính quyền thành phố Thâm Quyến, tập trung vào việc giúp Huawei xây dựng mạng lưới chip tự cung cấp. Nhóm này bao gồm các chuyên gia quang học, nhà phát triển thiết bị chip và nhà sản xuất hóa chất, góp phần nào gói hỗ trợ trị giá 30 tỷ USD của chính phủ để giúp giúp Huawei xây dựng các cơ sở chế tạo chip mà Bloomberg News đưa tin lần đầu tiên vào tháng 8. Tuy nhiên, Huawei phủ nhận việc được chính phủ hỗ trợ phát triển công nghệ bán dẫn.
Theo một nguồn tin giấu tên, quyết định đưa Huawei trở thành đầu tàu phát triển ngành công nghiệp chip tự cung cấp của Trung Quốc là từ yêu cầu của lãnh đạo cấp cao.
Sau khi bị liệt vào danh sách đen của Mỹ vào năm 2019, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã thúc 10.000 kỹ sư làm việc hết sức nhằm chạy đua thiết kế lại bảng mạch và phần mềm để công ty có thể hoạt động mà không cần công nghệ Mỹ. Vào những thời điểm bận rộn nhất, một số nhân viên đã không rời khỏi trụ sở Thâm Quyến trong nhiều ngày, sống bằng mì ăn liền và ngủ trên ghế.
Nỗ lực hết mình đó đã giúp công ty duy trì kinh doanh. Và trong khoảng thời gian này, nhà nước Trung Quốc cũng bắt đầu tăng cường hỗ trợ, mở đường cho mối quan hệ cộng sinh như hiện tại.
Để biết Huawei và chính phủ Trung Quốc hiện đang gắn kết sâu sắc như thế nào, hãy nhìn vào sự ra mắt của điện thoại thông minh Mate 60 Pro mới vào tháng 8. Huawei ấn định thời điểm ra mắt sản phẩm trùng với chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, bước đi cho thấy đã đến lúc Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình.
Mẫu điện thoại này chứa một tỷ lệ lớn các linh kiện tiên tiến được sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là bộ xử lý 7 nanomet. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi ở Mỹ về việc liệu những nỗ lực nhằm kìm hãm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc có đang thất bại hay không.
Mối lo ngại của Washington là chất bán dẫn tiên tiến cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh của Huawei cũng có thể được sử dụng cho các ứng dụng quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái được điều khiển bằng AI hoặc siêu máy tính để giải mã và giám sát.
Trung tâm của mạng lưới các doanh nghiệp nhà nước đang hỗ trợ Huawei là một quỹ đầu tư có tên Công ty Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Lớn Thâm Quyến – được điều hành bởi chính quyền thành phố Thâm Quyến, nơi Huawei đặt trụ sở chính. Theo dữ liệu từ Tianyancha, một nền tảng trực tuyến cung cấp thông tin đăng ký công ty, quỹ này đã đầu tư vào khoảng ba cơ sở sản xuất chip liên kết với Huawei và công ty công cụ sản xuất chip có tên SiCarrier Technology Ltd., được thành lập vào năm 2021.
SiCarrier đã hình thành mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ với Huawei và chủ yếu làm việc với bộ phận nghiên cứu nội bộ của gã khổng lồ điện tử, được gọi là Phòng thí nghiệm 2012. Theo đó, SiCarrier đang tăng cường tuyển dụng kỹ sư ưu tú để làm việc trực tiếp trong các dự án của Huawei ở Thâm Quyến và Đông Quan. Trong khi đó, Huawei cũng đã chuyển giao khoảng chục bằng sáng chế cho SiCarrier, bao gồm công nghệ cách âm cho máy điện tử và thiết kế trung tâm dữ liệu.
Đối với Huawei, SiCarrier còn là cầu nối giữa Huawei và phần còn lại của chuỗi cung ứng. Công ty này là cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất máy quang học Zetop Technologies Co., theo Tianyancha. Công nghệ này phục vụ việc sản xuất vi mạch, bao gồm quá trình được gọi là in thạch bản.
Kỹ thuật in thạch bản là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng vì công ty ASML Holding NV của Hà Lan độc quyền về thiết bị in thạch bản cực tím – thứ cần thiết để tạo ra những con chip tiên tiến nhất – và chưa bao giờ bán những thiết bị đó cho Trung Quốc. Với việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, ASML cũng sẽ ngừng bán cho khách hàng Trung Quốc hầu hết các thiết bị cực tím sâu – những loại máy sản xuất chất bán dẫn kém phức tạp hơn một chút.
Đước biết, sau khi bị đưa vào danh sách đen, Huawei đã thuê một số cựu nhân viên ASML cho công việc liên quan đến các máy sản xuất chip. Bloomberg đã tìm thấy hồ sơ LinkedIn của 5 cựu nhân viên ASML, trong đó có 2 người trước đây sống ở Hà Lan cho biết họ đã gia nhập Huawei từ năm 2021 đến 2022.
Các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục rót hàng tỷ USD vào cuộc đua sản xuất chip. Trung Quốc không cần phải thiết lập khả năng tự cung tự cấp ở mỗi bước của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Clifford Kurz, nhà phân tích của S&P Global Ratings, cho biết điều quan trọng là tạo ra các lựa chọn thay thế trong nước ở bốn hoặc năm bước của quy trình mà Mỹ và các đồng minh có thể cắt giảm nguồn cung. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc và Huawei có thể sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính như in thạch bản, sản xuất tấm bán dẫn và thiết kế điện tử.
Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cũng có mối quan hệ phức tạp với chính phủ Trung Quốc. Trong nhiều năm, khi Mỹ ép các chính phủ phương Tây cấm thiết bị viễn thông của Huawei vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để làm gián điệp cho Trung Quốc, ông vẫn khẳng định rằng công ty của ông không có vị thế đặc biệt nào với chính phủ.
Tuy nhiên, khi con gái của ông, Giám đốc tài chính của Huawei, bị giam giữ vào năm 2018 tại Canada vì cáo buộc gian lận của Mỹ, Bắc Kinh đã cố gắng hết sức để gây áp lực buộc chính phủ Canada và Mỹ phải trả tự do cho cô. Cô được trả tự do vào năm 2021 và trở lại được chào đón như một anh hùng ở Trung Quốc.
Lấy link