Mua Apple Watch Ultra trên TikTok chỉ có 800 nghìn?
Bạn có muốn mua Apple Watch Ultra trên TikTok chỉ với giá 34,88 USD (800 nghìn) không?
Đó là lời đề nghị bất ngờ được nhà sáng tạo TikTok Austin Tyler úp mở với hàng triệu người theo dõi của mình ở Mỹ vào tháng 10.
“Tôi vừa nhận được chiếc Apple Watch Ultra mới, nhưng thay vì trả 800 USD, tôi mua nó với giá rẻ như vậy từ TikTok Shop”, anh nói trong video mà sau đó đã bị gỡ xuống.
Tyler liên kết bài đăng với chiếc đồng hồ thông minh trị giá 34,88 USD trên TikTok Shop của một thương gia tên là MoonMates, vốn không phải đại chính lý chính thức của Apple
Vì video gắn thẻ TikTok Shop nên Tyler có đủ điều kiện nhận hoa hồng cho bất kỳ doanh số bán đồng hồ nào mà video của anh tạo ra, theo Business Insider.
Những người sáng tạo khác cũng giới thiệu những chiếc đồng hồ nhái tương tự các sản phẩm của Apple. Một TikToker có tài khoản @jennyselectionofficial tải lên video vào tháng 11 chào hàng "khuyến mại chớp nhoáng điên rồ nhất" cho "TikTok Apple Watch" với giá 8,55 USD.
Khi TikTok bước vào lĩnh vực thương mại điện tử một cách rầm rộ, lợi thế chính của nền tảng so với những công ty truyền thống như Amazon là mạng lưới những người có ảnh hưởng có thể giúp bán sản phẩm trên ứng dụng.
TikTok cho biết vào tháng 9 họ đã có hơn 100.000 người sáng tạo đăng ký chia sẻ sản phẩm thông qua chương trình liên kết Shop, nơi công ty trả hoa hồng cho doanh số bán hàng tạo ra thông qua video.
Tuy nhiên, việc dựa vào người sáng tạo để bán sản phẩm đi kèm với hai thách thức lớn: không phải lúc nào họ cũng trung thực và không phải lúc nào họ cũng hiểu mình đang bán gì.
Một số người sáng tạo có thể giới thiệu sai để giúp sản phẩm đó trông có vẻ tốt hơn với mục đích tăng thu nhập hoa hồng. Những người khác cũng cókhả năng vô tình làm điều đó vì họ không chắc liệu một sản phẩm TikTok Shop giảm giá mạnh như vậy có phải hàng chính hãng hay không.
Nếu các video review có nội dung sai như thế lan tràn trên TikTok Shop, điều này có thể gây ra rủi ro hiện hữu cho nền tảng thương mại điện tử non trẻ.
“Nếu người tiêu dùng có trải nghiệm tồi tệ khi mua những sản phẩm hóa ra là hàng giả hoặc chất lượng thấp, họ sẽ mất niềm tin vào các lời khuyên của người có ảnh hưởng và ngừng mua hàng thông qua hệ thống đó”, Brett Hollenbeck, phó giáo sư tiếp thị tại UCLA's, nói với Insider.
Khó dẹp nạn hàng nhái
Người phát ngôn của TikTok cho biết việc trình bày sai thông tin về sản phẩm rõ ràng là vi phạm chính sách của TikTok Shop.
Theo đó, chính sách chống nội dung gây hiểu lầm cấm người sáng tạo đăng video quảng cáo sản phẩm sai thực tế, bao gồm cả "tuyên bố không chuẩn xác về việc sản phẩm này được liên kết với các sản phẩm khác".
TikTok cho biết họ kết hợp công nghệ và kiểm duyệt thủ công để thực thi các chính sách của mình, bao gồm giám sát các đánh giá tiêu cực và tỷ lệ khiếu nại. Công ty cũng yêu cầu người bán phải đảm bảo danh sách sản phẩm là chính xác và không gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Nhưng đối với TikTok, việc kiểm soát hiệu quả một đội quân gồm 100.000 người bán và hơn 200.000 thương nhân cũng giống như chơi trò đập chuột. Công ty phải vật lộn để loại bỏ các sản phẩm bị cấm và hàng nhái ra khỏi thị trường.
Trong khi đó, chương trình liên kết của TikTok Shop trả tiền cho doanh số bán hàng lại khuyến khích người sáng tạo bán các mặt hàng bất kể chất lượng để kiếm tiền.
Một số người có ảnh hưởng trên TikTok không chắc đâu là thật đâu là giả
Trong khi một số người sáng tạo dường như cố tình mập mờ sản phẩm.
Người dùng TikTok Vincent Patritto tháng 9 đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi quảng cáo một đôi Crocs có sẵn trên TikTok Shop. Trong video, anh giới thiệu đôi đã mua trên Amazon nhưng mọi người có thể tìm thấy trên TikTok. Anh không hoàn toàn chắc chắn liệu chúng có phải hàng chính hãng hay không.
Một loạt Crocs giá rẻ được bán trên ứng dụng với mức giá như 13,33 USD, 18,82 USD và 19,27 USD. Trong khi giá niêm yết của Crocs là khoảng 50 USD.
Khi trang Insider hỏi một người bán TikTok Shop có tên là New School Prime về chất lượng của mẫu "Clog Crocs Classic" trị giá 28,79 USD, sản phẩm đã được mua khoảng 2.600 lần, người bán này cho biết tất cả các sản phẩm của họ đều "hoàn toàn mới và chính hãng". Chưa đầy một tuần sau, cửa hàng này đóng cửa mà không một lời giải thích.
Người mua TikTok Shop cũng bối rối tương tự trước sự xuất hiện của một loạt túi đeo hông giá rẻ dường như là bản nhái của Lululemon 1L trị giá 48 USD.
Các shop trên này không khẳng định chiếc túi thuộc về Lululemon, với một số thương nhân mô tả chiếc túi này là phụ kiện "Lululimonn", "Lululemoon" hoặc "Lololemons".
Khi các nền tảng công nghệ lớn như TikTok, YouTube và Pinterest cũng như hàng loạt công ty khởi nghiệp tập trung đưa hoạt động mua sắm trên mạng xã hội trở thành xu hướng phổ biến ở Mỹ, việc kiểm soát nội dung của người ảnh hưởng có thể đặt ra thách thức lớn.
Các chương trình khuyến mãi gây hiểu lầm của người ảnh hưởng có thể trở thành vấn đề đau đầu đối với thị trường giống như các đánh giá giả mạo.
“Thực tế đây là mô hình hoa hồng nên họ sẽ có động cơ rất lớn để nói rằng đó là một sản phẩm chất lượng cao và thúc đẩy mọi người mua nó”, Hollenbeck cho biết.
Lấy link