Bảo vệ trẻ em trên Internet: Cần có sự chung tay

Để giải quyết được bài toán bảo vệ trẻ em trên Internet, cần có sự phối hợp, tham gia của nhiều đơn vị liên quan.


Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, trẻ em chỉ nên lên mạng 2-3 tiếng/ngày. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, trung bình, trẻ em truy cập vào Internet lên tới 5-7 tiếng/ngày. Đi kèm với việc bị ảnh hưởng sức khoẻ, trẻ em còn tiếp xúc với thông tin xấu độc, nội dung không phù hợp lứa tuổi.


baovetreem.jpg
Bảo vệ trẻ em trên mạng cần có sự chung tay.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, với việc dành nhiều thời gian lên mạng, trẻ em dễ “sống ảo”, tách rời khỏi thế giới thực; làm theo các trào lưu xấu, độc trên mạng; bị bắt nạt hay thậm chí là lạm dụng tình dục trên mạng…


Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS, để giải quyết được bài toán bảo vệ trẻ em trên Internet, cần có sự phối hợp, tham gia của nhiều đơn vị liên quan.


Đầu tiên là cơ quan quản lý nhà nước trong việc sớm hoàn thiện, bổ sung các quy định bảo vệ trẻ em trên Internet. Tiếp theo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nội dung số cần triển khai các biện pháp để ngăn chặn từ gốc nội dung độc hại, trong đó, đặc biệt ứng dụng AI để loại bỏ các nội dung xấu độc với trẻ em. Không chỉ vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể xây dựng các trung tâm kiểm soát, ngăn chặn thông tin độc hại qua hệ thống phân giải tên miền (DNS). Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị máy tính, điện thoại thông minh có thể tích hợp sẵn ứng dụng có khả năng bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ trên Internet…


Bảo vệ trẻ em trên Internet cần nhấn mạnh vai trò của phụ huynh, xem đây là trách nhiệm bắt buộc trong cuộc sống số, giúp con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia môi trường mạng.


Việc bảo vệ không phải cấm đoán, mà phụ huynh cần phải đồng hành với con, cùng con xây dựng những nguyên tắc. Ví dụ, không sử dụng điện thoại, máy tính trong khu vực khó quan sát như phòng ngủ, kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích học tập, giải trí hợp lý.


Và quan trọng hơn hết, ngành giáo dục cần nghiên cứu và đưa môn Giáo dục công dân số vào trường học, bởi không ai có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn chính bản thân các em. Tương tự môn Giáo dục công dân, môn Giáo dục công dân số trang bị cho các em kiến thức bổ ích khi tham gia mạng xã hội, để phân biệt tốt xấu, các quy tắc ứng xử, cẩm nang an toàn khi tham gia Internet, giúp tạo “hệ miễn dịch số”.


Bảo vệ trẻ em trên Internet: Cần có sự chung tay Việt Nam có Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em trên không gian mạngCâu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng sẽ là nòng cốt để Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em với mục tiêu “Chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.