Cuối tháng 10/2023, trụ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (viết tắt: NIC) sẽ được khánh thành ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Song hành cùng sự kiện này, Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) cũng sẽ được tổ chức từ 28/10 - 01/11/2023.
Với tổng diện tích sàn gần 20.000 m2, bao gồm 2 khối nhà làm việc và một khối nhà trung tâm hội nghị quốc tế, NIC Hòa Lạc được kỳ vọng là một mắt xích trọng yếu để hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam, kết nối sâu rộng với quá trình đổi mới sáng tạo khắp thế giới.
Để độc giả có một cái nhìn đầy đủ về sự khác biệt cũng như vai trò của NIC trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Việt Nam, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn Giám đốc NIC - ông Vũ Quốc Huy.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ được khánh thành ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào cuối tháng 10/2023. Ảnh: NIC
PV: NIC Hòa Lạc sắp khánh thành, nay nhìn lại quá trình có thể coi là “nằm gai nếm mật” trước khi ra đời của NIC hẳn là không dễ dàng, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Huy: Quá trình trước khi NIC ra đời đương nhiên gặp không ít khó khăn. Cái khó nhất của NIC là mô hình của một đơn vị mới không thuộc nguồn ngân sách nhà nước. Hơn nữa, đổi mới sáng tạo là lĩnh vực rất rộng, nên cần phải xác định rõ vai trò, mô hình ra sao để NIC hoạt động hiệu quả. Việc thuyết phục từ các cấp, từ lãnh đạo Chính phủ đến các bộ, ngành, đối tác hiểu được mô hình của NIC là một thách thức.
Ngoài ra, cái khó thứ hai là cần phải xây dựng được cơ chế hoạt động để NIC có thể tự “nuôi” và tự phát triển. Bởi NIC phải tự tồn tại thì mới có thể mang lại giá trị cho cộng đồng và phát huy hết được những vai trò và tính bền vững của mình. Để duy trì nguồn vốn xã hội hóa và tính bền vững, NIC có thể cung cấp các dịch vụ hoặc các hoạt động mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp sẽ đóng góp trở lại.
Cái khó thứ ba là về con người. Với một mô hình mới như NIC, phạm vi quản lý rất lớn, việc tìm được con người phù hợp, đặc biệt là những người “dám nghĩ, dám làm” là một thách thức lớn, đặc biệt là trong hệ thống nhà nước khi mọi người vốn quen với những gì đã được thiết lập từ trước. Trong một môi trường mới như NIC đòi hỏi nhân sự chủ chốt phải đáp ứng nhiều yếu tố, chẳng hạn như hiểu được hệ thống của nhà nước, nhưng đồng thời cũng phải đề xuất được những việc không nằm trong các quy trình chuẩn chỉ mà chúng ta vẫn hay làm. Trên thực tế, có nhiều người thử làm nhưng không đáp ứng được.
PV: Có một thực tế là công chúng đã rất quen thuộc với khái niệm “khởi nghiệp”, còn thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” (là lý do của sự ra đời và phát triển của NIC) thì lại khá mới mẻ. Ông có thể nói cho độc giả biết một cách dễ hiểu nhất về sự khác biệt giữa NIC với vấn đề khởi nghiệp được không?
Ông Vũ Quốc Huy: Thật ra không đợi NIC ra đời thì mới có “đổi mới sáng tạo”. Đổi mới sáng tạo là tinh thần vốn xuyên suốt từ lâu ở các doanh nghiệp thành công, chỉ có điều càng ngày, với sự phát triển khoa học công nghệ ngày càng nhanh chóng, tinh thần ấy càng trở nên cấp thiết, rõ nét, gần như là không thể thiếu ở bất kỳ doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào.
Và khi một startup ra đời, không thể không có tinh thần “đổi mới sáng tạo”. Hay nói cách khác, một startup thành công ngày nay chính là một ví dụ tiêu biểu cho đổi mới sáng tạo. Nhưng cũng còn nhiều hơn thế là các doanh nghiệp đã, đang tồn tại và phát triển, và họ cần đổi mới sáng tạo để tiếp tục giữ được tín nhiệm, vị thế trên thị trường, với người tiêu dùng.
Với riêng NIC, quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo tập trung vào công nghệ, với 8 lĩnh vực trọng tâm là: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Nội dung số, An ninh mạng, Công nghệ môi trường, Công nghệ Y tế, Công nghiệp bán dẫn và Công nghệ Hydrogen.
Cũng tức là, NIC có hỗ trợ cho các startup nhưng chỉ là startup hoạt động trong 8 lĩnh vực nêu trên.
NIC đóng vai trò là một tổ chức trung gian khi làm việc và kết nối với các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính… trong việc hỗ trợ gọi vốn và cơ sở mặt bằng cho các startup ngay từ giai đoạn đầu. NIC sẽ xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi các startup có thể được tiếp xúc với các tập đoàn, doanh nghiệp, các viện, trường, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Trong khi đó, các quỹ đầu tư khởi nghiệp chỉ dừng ở việc đầu tư và gọi vốn cho các startup.
PV: Như vậy, tôi có thể hiểu là, sẽ rất tốt nếu đông đảo công chúng biết tới NIC là một kênh kết nối đầu tư cho startup (trong 8 lĩnh vực nêu trên), để mở rộng năng lực và hiệu quả hỗ trợ đổi mới sáng tạo của mình. Thậm chí, nếu vai trò hỗ trợ startup được nhiều người biết đến, “nổi tiếng” như chương trình Shark Tank, cũng là rất cần thiết - phải không ông?
Ông Vũ Quốc Huy: NIC không giống như Shark Tank, bởi NIC là một tổ chức của Nhà nước và có chức năng rất lớn là xây dựng, kết nối và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện chức năng này, không chỉ dừng lại ở câu chuyện gọi vốn như Shark Tank. Bởi hệ sinh thái này phát triển từ các ý tưởng lúc mới bắt đầu cho đến khi nó trở thành một sản phẩm công nghệ, có thể thương mại hóa được, mở rộng thị trường. Quá trình này mất nhiều thời gian và công sức, không chỉ dừng ở câu chuyện đầu tư hay gọi vốn.
Ngoài ra, khác với mô hình kiểu như Shark Tank, NIC còn hỗ trợ các doanh nghiệp, start-up về cơ chế đầu tư, chính sách, hành lang pháp lý. NIC cũng sẽ hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đưa ra các đề xuất để chỉnh sửa các luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Phối cảnh cơ sở của NIC ở Hòa Lạc. Ảnh: NIC
PV: Đặc biệt tập trung vào công nghệ với 8 trụ cột, vậy NIC có gì giống và khác với một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tập trung, kiểu như Trung tâm R&D của Samsung thành lập ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cách đây ít lâu, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Huy: NIC được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg, ngày 02/10/2019, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
NIC khác với mô hình trung tâm phổ biến tại các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp.
Tuy NIC không phải là một trung tâm nghiên cứu tập trung (R&D), nhưng lại có thể bảo trợ, hỗ trợ cho các dự án R&D. Nếu cần một sự đối chiếu về mô hình, thì có thể tạm gọi NIC là một trung tâm R&D mở.
Thay vì trực thuộc một tập đoàn cụ thể, NIC là trung tâm mở khi cho phép nhiều doanh nghiệp, đơn vị, các startup có thể thử nghiệm các sản phẩm mới. NIC sẽ hỗ trợ các phòng lab với trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm. Đồng thời giúp các startup trong việc nâng cao năng lực quản lý vận hành, tiếp thị, mở rộng thị trường… thông qua các khóa học do NIC tổ chức.
Ngoài ra, NIC còn thành lập được một mạng lưới đổi mới sáng tạo ở trong các trường đại học và liên kết với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (chủ yếu là nâng cao năng lực và chuyển giao, chia sẻ tri thức). Các mạng lưới này giống như “cánh tay nối dài” của NIC.
Theo ông Vũ Quốc Huy, NIC hướng đến mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong, dẫn dắt hàng đầu trong khu vực. Ảnh: VH
PV: Việc cho thuê, thu hút doanh nghiệp đến đặt văn phòng, NIC sẽ có ưu đãi hay đột phá gì không, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Huy: Việc khánh thành và tiến hành triển lãm vào cuối tháng 10 sắp tới là một hoạt động để giới thiệu quy mô của trung tâm tại Hòa Lạc. Đồng thời đây là dịp quy tụ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để họ biết đến trung tâm. Từ đó, các bên bắt đầu thiết lập các kết nối, quan hệ đầu tiên, hình thành một hệ sinh thái để cùng hỗ trợ cho nhau.
NIC Hòa Lạc rộng hơn nên sẽ có nhiều cơ sở, không gian để trải nghiệm công nghệ để mọi người có thể đến khám phá, học hỏi và có thêm nhiều mối quan hệ hợp tác.
Về ưu đãi hay đột phá, NIC xây dựng dựa theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Theo đó, nghị định này có quy định về một số cơ chế và chính sách ưu đãi đối với NIC. Nhân dịp khánh thành NIC Hòa Lạc, chúng tôi sẽ có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp khi đến thuê hoặc đặt văn phòng.
PV: Ông có thể chia sẻ về những việc NIC dự định sẽ làm để giúp tăng thêm nhiều thương vụ cho đổi mới sáng tạo thành công hơn?
Ông Vũ Quốc Huy: NIC hiện đang tập trung vào 8 lĩnh vực trọng tâm có nhiều tiềm năng cho Việt Nam. Tuy nhiên, về thị trường và nhu cầu của thế giới, mọi người có thể thấy công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực luôn có nhu cầu trong nhiều năm tới. NIC đang mong muốn tập trung vào lĩnh vực này để sắp tới phối hợp với các trường, tập đoàn công nghệ về bán dẫn lớn trên thế giới nhằm đào tạo ra 50.000 kỹ sư công nghệ trong vòng 10 năm tới. NIC mong muốn làm điều này với tầm nhìn Việt Nam sẽ trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới.
Vào ngày 19/9 vừa qua, Synopsys, đối tác của Silicon to Software, công bố hợp tác với NIC để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động trong tương lai gần.
Ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys phụ trách kinh doanh tại Đài Loan và Nam Á cùng Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài ký Biên bản ghi nhớ (MoU) vào ngày 18/9/2023 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; và nhiều lãnh đạo khác của Việt Nam trong chuyến thăm trụ sở Synopsys ở Sunnyvale, California (Mỹ). Ảnh: NIC
Synopsys vốn nổi tiếng với các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm đầu ngành. Do đó, việc hợp tác thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch NIC tại Việt Nam, có thể nhận được những lợi ích từ công nghệ thiết kế tầm cỡ thế giới của công ty này. Hợp tác này có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.
Ngoài ra, cùng ngày, Tập đoàn Cadence và ĐH bang Arizona của Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác với NIC để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, vi điện tử.
Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng ĐH bang Arizona, đã ký Biên bản ghi nhớ với ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, ngày 19/9. Ảnh: NIC
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cadence Design Systems vào ngày 19/9. Ảnh: NIC
NIC cũng tham khảo một số hình mẫu thành công trên thế giới như ở Singapore, Hàn Quốc, Pháp… Để làm tăng thêm nhiều thương vụ cho đổi mới sáng tạo thành công, trước tiên, NIC sẽ bám sát vào chức năng của mình.
Đoàn công tác của Trung tâm làm việc với UBO Finlab của Singapore vào đầu tháng 6/2023. Ảnh: NIC
Thứ nhất, NIC sẽ là nơi thiết lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xoay quanh 8 lĩnh vực trọng tâm, bằng cách kết nối các đơn vị đối tác, các doanh nghiệp, tập đoàn, viện, trường, mạng lưới các chuyên gia, trí thức trong các ngành, lĩnh vực đó.
Thứ hai, NIC sẽ xây dựng chương trình để hỗ trợ và ươm tạo cho các doanh nghiệp, startup.
Thứ ba, NIC cũng là nơi để thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực để có thể cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các dự án công nghệ lớn.
Trong tương lai, NIC hướng đến mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong, dẫn dắt hàng đầu trong khu vực. Khi nghĩ đến đổi mới sáng tạo, bạn sẽ nghĩa tới NIC. Đây là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Lấy link