Ngày 19/10, công ty này ra mắt chiếc Find N3 nắp gập, có màn hình lớn bên trong 7,8 inch để cạnh tranh với những sản phẩm như Galaxy Fold 5 của Samsung và Pixel Fold của Google. Theo Oppo, Find N3 được trang bị công nghệ bản lề cho phép gập một triệu lần.
Đây cũng là lần đầu tiên hệ thống camera cao cấp nhất của hãng điện thoại Trung Quốc được trang bị trên một thiết bị gập. Find N3 chạy trên chip Snapdragon 8 Gen 2 5G do Qualcomm sản xuất, có giá niêm yết 1.750 USD và có thể được đặt hàng từ hôm nay (20/10).
Trước đó, vào tháng 8, Oppo đã ra mắt chiếc Find N3 Flip dạng vỏ sò dành cho thị trường quốc tế, với cụm ba camera và màn hình lớn bên ngoài, cho phép người dùng sử dụng hơn 80 ứng dụng mà không cần mở điện thoại.
Giám đốc tiếp thị quốc tế Oppo, Elvis Chu, cho hay công ty muốn tạo ra đột phá với những chiếc điện thoại có thể gập trên thị trường cao cấp.
“Việc phổ biến điện thoại màn hình gập là động lực tăng trưởng đáng kể cho tương lai của ngành công nghiệp điện thoại thông minh”, ông Elvis Chu nói, đồng thời lý giải mặc dù số lượng thiết bị nắp gập chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thị trường, song giá cả và sự phổ biến của chúng đối với người tiêu dùng cao cấp khiến những mẫu điện thoại này có giá trị về mặt thương mại.
Dữ liệu từ Counterpoint Research ghi nhận, lô hàng smartphone màn gập trên toàn cầu đã tăng 64% trong quý I, đạt 2,5 triệu chiếc, so với mức giảm 14,2% của thị trường điện thoại di động nói chung. Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường smartphone gập lớn nhất thế giới, có mức tăng trưởng 117% sau ba tháng đầu năm 2023.
Tháng trước, Huawei Technologies, công ty đang dẫn đầu thị phần smartphone đại lục, đã trình làng model Mate X5 màn gập. Theo Counterpoint, Oppo xếp thứ hai trên thị trường màn gập Trung Quốc, với 27% thị phần, có được do cú hích ra mắt Find N2 vào cuối năm 2022. Find N2 Flip cùng với Pocket S của Huawei đang là hai mẫu điện thoại vỏ sò phổ biến nhất tại đây.
Tích hợp sâu AI vào smartphone
Oppo đang dồn lực cho nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) khi sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện thoại thông minh tích hợp các dịch vụ tương tự như ChatGPT ngày càng nóng.
Hãng điện thoại Trung Quốc đang tiến hành dự án phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) riêng có tên AndesGPT.
“Chúng tôi rất lạc quan về sự tích hợp trong tương lai của các ứng dụng AI và LLM trên điện thoại thông minh”, Jason Liao, chủ tịch Viện nghiên cứu Oppo cho hay.
LLM là các thuật toán sử dụng kỹ thuật học sâu và tập dữ liệu khổng lồ để hiểu, tóm tắt, tạo và dự đoán nội dung mới. Các LLM như GPT-3 đã cách mạng hóa AI đàm thoại, cho phép các chatbot như ChatGPT của OpenAI hiểu và tạo ra văn bản giống con người.
Tuy nhiên, Oppo sẽ cần giải quyết những thách thức về sức mạnh điện toán cần thiết để chạy LLM trên điện thoại di động, thay vì luôn kết nối Internet để truy cập đám mây.
Theo người đứng đầu Viện nghiên cứu hãng điện thoại Trung Quốc, thị giác máy tính là công nghệ tiềm năng để áp dụng trên các điện thoại của hãng. Công nghệ này cho phép nhận dạng vật thể cũng như con người trong hình ảnh hoặc video.
Oppo giới thiệu AndesGPT vào tháng 8 để thử nghiệm, nhằm nâng cấp trợ lý giọng nói Xiaobu (giống Siri) trong các tương tác với người dùng.
Hiện tại ChatGPT không khả dụng tại Trung Quốc, do đó các hãng sản xuất đại lục cần tự phát triển và cạnh tranh tích hợp những ứng dụng tương tự như ChatGPT, công nghệ được coi là nhân tố thay đổi cuộc chơi ở một thị trường có tính cạnh tranh cao.
Vivo, đối thủ của Oppo vào đầu tuần này cũng công bố kế hoạch ra mắt mô hình AI trong hệ điều hành mới OriginOS 4, sau khi Huawei Technologies tích hợp AI Pangu vào phiên bản HarmonyOS mới nhất hồi tháng 8.
(Theo SCMP)
Galaxy Z Fold5 và Flip5 phá kỷ lục đơn đặt hàng với smartphone nắp gập
Chỉ sau hai tuần ra mắt, bộ đôi điện thoại gập mới nhất của Samsung, Galaxy Z Fold5 và Galaxy Flip5 đã đạt cột mốc sản phẩm có số lượng đơn đặt hàng lớn nhất kể từ khi hãng điện thoại Hàn Quốc ra mắt smartphone nắp gập.
Panasonic kiện Xiaomi, Oppo tại Trung Quốc và châu Âu
Panasonic đã nộp đơn kiện Xiaomi và Oppo tại Trung Quốc và châu Âu vì công nghệ 4G. Đây là vụ mới nhất trong chuỗi tranh chấp bản quyền mà các hãng smartphone đại lục đang phải đối mặt.
Hãng điện thoại Trung Quốc Oppo cho biết sẽ đóng cửa bộ phận thiết kế chip do các bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường smartphone.