Đó là hiện tượng mà các tờ báo Mỹ xôn xao nhiều ngày qua và người dân trên khắp châu lục háo hức chờ đợi: Nhật thực "vòng lửa", hay còn gọi là nhật thực hình khuyên.
Khi nhật thực dạng này xuất hiện, Mặt Trời không bị che phủ hoàn toàn bởi bóng của Mặt Trăng mà chừa lại một vòng ánh sáng mỏng ở rìa, tạo nên vòng ánh sáng tuyệt đẹp.
Nhật thực hình khuyên - Ảnh: NASA
Theo bản đồ nhật thực của Time and Date, dải trung tâm của nhật thực - là khu vực thấy được "vòng lửa" - sẽ trải dài từ vùng biển ngay bên dưới bang Alaska của Mỹ, dần quét qua một số bang ở phía Tây - Tây Nam nước này, sau đó quét tiếp xuống vùng Trung Mỹ và một số nước phía Bắc lục địa Nam Mỹ.
Trong khi đó, người dân ở nhiều vùng khác trên khắp châu Mỹ sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực bán phần. Càng gần dải trung tâm, tỉ lệ che phủ càng nhiều.
Bản đồ đường đi của nhật thực - Ảnh: TIME AND DATE
Sự kiện sẽ bắt đầu với lúc 10 giờ 3 phút ngày 14-10 theo giờ miền Đông nước Mỹ (22 giờ 3 phút tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), đạt đỉnh lúc 12 giờ 59 phút (0 giờ 59 phút ngày 15-10 giờ Việt Nam), kết thúc lúc 15 giờ 55 phút (3 giờ 55 phút sáng giờ Việt Nam).
Tất nhiên Việt Nam không thể quan sát hiện tượng này, vì nhật thực xảy ra khi khu vực của chúng ta đang là ban đêm.
Ngay trước thời khắc được trông đợi chỉ 1 ngày, NASA bất ngờ tuyên bố họ sẽ bắn trực diện 3 quả rốc-két vào vùng bóng tối của nhật thực.
Theo Live Science, 3 quả rốc-két sẽ được phóng từ bãi phóng tên lửa White Sands ở bang New Mexico - Mỹ.
Và bạn không nên lo lắng: Đó không phải một vụ không kích vật thể vũ trụ, mà là sứ mệnh khoa học thuần túy.
Ba quả rốc két này mang theo các thiết bị khoa học tinh vi nhằm nghiên cứu những thay đổi ở tầng trên bầu khí quyền Trái Đất trong thời gian ánh sáng ban ngày đột ngột giảm xuống do nhật thực.
Ước tính nhật thực hình khuyên sẽ lấy đi 90% ánh sáng từ Mặt Trời, tạo nên một số hiệu ứng thực sự kỳ lạ cho hành tinh của chúng ta, bao gồm những thay đổi nhanh chóng về nhiệt độ, sức gió và cả hành vi của động vật.
Ít được hiểu rõ hơn, đó là nhật thực ảnh hưởng như thế nào đến tầng điện ly nằm ở phần phía trên của bầu khí quyển. NASA sẽ tìm cách giải đáp câu hỏi lớn đó bằng các quả rốc-két.
Lấy link