Mạng di động ảo xin được thử nghiệm phát triển thuê bao qua hình thức online

Các mạng di động ảo vừa gửi đơn kiến nghị lên Bộ TT&TT, xin được thử nghiệm triển khai phát triển thuê bao thông qua hình thức trực tuyến trên nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối các quy định về quản lý thông tin thuê bao.


mang di dong ao 1.jpg
Ba mạng di động ảo cho rằng, việc thực hiện dừng hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhà mạng ảo dừng phát triển thuê bao theo hình thức online


Ngày 10/10, cả 4 mạng di động ảo đã gửi kiến nghị khẩn lên Bộ TT&TT đưa ra một số kiến nghị liên quan đến vấn đề thực hiện việc dừng toàn bộ các hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến.


Các mạng di động ảo gồm ITEL, ASIM, VNSKY khẳng định đã tuân thủ trong việc ngừng phát triển thuê bao tại hệ thống kênh đại lý kể từ ngày 10/9/2023 theo chỉ đạo của Bộ TT&TT. Trong đó, các nhà mạng này đã ngừng toàn bộ việc cung cấp hàng hóa viễn thông cho hệ thống kênh này và chấp hành nghiêm việc ngừng hợp tác theo chỉ đạo; liên tục rà soát nội bộ đối với thông tin của các thuê bao đã phát triển, ứng dụng các công nghệ nhằm hạn chế việc kích hoạt thuê bao không chính chủ.


vnsky.jpg
VNSKY khẳng định đã tuân thủ trong việc dừng phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến từ 22h ngày 10/10/2023.

Các nhà mạng ảo còn cho hay, đã chủ động liên hệ đề nghị C06 - Bộ Công an cho phép xây dựng các kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để thực hiện đối chiếu/xác thực thông tin thuê bao. Đối với việc hợp tác cùng các kênh như Thế Giới Di Động, FPT Shop, VNPOST, các nhà mạng ảo cũng đã tiến hành đàm phán để đạt được thỏa thuận cùng các đơn vị này nhằm phát triển thuê bao trên các kênh chuỗi uy tín được Cục Viễn thông, Bộ TT&TT chỉ định.


Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Viễn thông, 3 nhà mạng ảo đã lên kế hoạch và đang tiến hành thực hiện việc dừng toàn bộ các hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, các nhà mạng này đã thông báo tới khách hàng và các bên có liên quan trước 22h ngày 9/10/2023 và thực hiện việc dừng phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến từ 22h ngày 10/10/2023.


Chiều nay, mạng Wintel cho biết đã gửi văn bản lên Cục Viễn thông báo cáo việc dừng phát triển thuê bao qua kênh online theo đúng chỉ đạo của Cục Viễn thông.


Nhà mạng ảo đồng loạt kêu khó


Trong công văn khẩn gửi Bộ TT&TT, cả 3 mạng di động ảo cho rằng, việc thực hiện dừng hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.


Các mạng ảo cho hay, hiện không còn bất kỳ kênh nào để phát triển thuê bao do đã ngừng việc hợp tác phát triển thuê bao qua kênh đại lý, bên cạnh đó, việc thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố định cần có lộ trình về thời gian và nguồn lực phù hợp. Trong trường hợp không thể phát triển thuê bao mới, các mạng ảo sẽ không có nguồn doanh thu để bù đắp cho các chi phí vận hành của doanh nghiệp, dẫn đến khả năng ngừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, người lao động và doanh nghiệp. Thêm vào đó, công tác chăm sóc khách hàng đối với các khách hàng hiện hữu bị hạn chế rất nhiều do thiếu kênh tương tác nhanh chóng và hiệu quả.


Một nhà mạng ảo cho hay, ngay khi Bộ TT&TT đưa ra danh sách các chuỗi phân phối uy tín thì chuỗi phân phối này đã nâng giá hoa hồng phát triển thuê bao, thậm chí có chuỗi đã tăng giá tới 3 lần. Điều này khiến các nhà mạng ảo tăng đột biến chi phí và lợi nhuận sụt giảm rất mạnh. Trong khi đó, nếu tự xây dựng hệ thống cửa hàng, ước tính chi phí trung bình để duy trì cho một nhà mạng ảo tại thời điểm hiện tại sẽ vào khoảng 30 tỷ đồng/tháng. Với chi phí này thì toàn bộ phần doanh thu cũng không thể đủ để bù đắp cho xây dựng và duy trì hệ thống tự phân phối.


Trong công văn gửi Bộ TT&TT, các mạng di động ảo cho rằng, khách hàng đang sở hữu bộ KIT chưa kích hoạt của họ sẽ không có công cụ kích hoạt và sử dụng dịch vụ mà mình đã mua. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại và nguy cơ xảy ra phản ứng tiêu cực của dư luận. Ngoài ra, khả năng tiếp cận đối với dịch vụ viễn thông của khách hàng bị ảnh hưởng đáng kể do suy giảm từ khả năng phân phối của các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt, sẽ ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng từ mua sắm truyền thống sang hình thức trực tuyến.


Các mạng di động ảo cho rằng, kênh bán hàng, cung cấp dịch vụ qua hình thức trực tuyến đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, là xu thế chuyển đổi số sâu rộng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của xã hội, và cũng là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian tới. Gần như không còn bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào không được kinh doanh thông qua hình thức này, ngay cả các dịch vụ mang tính bảo mật cao như dịch vụ tài chính, hay các sản phẩm có giá trị cao như thiết bị điện tử. Với khả năng tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm các khâu trung gian, việc phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến hết sức phù hợp với mục tiêu tối ưu hóa chi phí mà các nhà mạng ảo theo đuổi.


Trước những khó khăn kể trên, 4 nhà mạng ảo đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét cho phép tất cả các nhà mạng được thử nghiệm việc triển khai phát triển thuê bao, cung cấp dịch vụ viễn thông qua hình thức trực tuyến trên nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối các quy định về quản lý thông tin thuê bao.


“Trong các cuộc họp giữa Bộ TT&TT, Cục Viễn thông và các nhà mạng về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng như dự thảo các nghị định cần ban hành để cụ thể hóa dự thảo Luật trên, chúng tôi nhận thấy Bộ TT&TT cũng đã có chủ trương đồng thuận đối với việc phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc triển khai phát triển thuê bao qua hình thức trực tuyến trong giai đoạn này là hết sức cần thiết để thu thập kinh nghiệm thực tế ,nhằm đưa ra các quy định pháp luật phù hợp trong thời gian tới”, đại diện một nhà mạng ảo nói.


Bên cạnh đó, các nhà mạng ảo cũng đề xuất với Bộ TT&TT có phương án hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình làm việc, trao đổi với Bộ Công an để kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với mục tiêu hoàn thành trong năm 2023. Đây là động thái rất quan trọng để các nhà mạng ảo có thể phát triển thuê bao có thông tin cá nhân chính xác theo yêu cầu của Bộ TT&TT.


Lý giải về vấn đề này, một nhà mạng cho VietNamNet hay, hiện các nhà mạng ảo đang áp dụng chính sách cho đăng ký online nên đây là kẽ hở để các đại lý có thể kích hoạt SIM bán ra thị trường.


Trước đó, đại diện một mạng di động lớn chia sẻ với VietNamNet, phải thừa nhận rằng, kênh online là kênh xu hướng tương lai, bởi nó đem lại sự tiện lợi cho cả các nhà mạng và người sử dụng. Tuy nhiên, việc đăng ký SIM online chưa kiểm soát được như hiện nay sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Có thể cho phép thử nghiệm đăng ký thông tin cá nhân online, nhưng cần đảm bảo các yếu tố như nhà mạng phải kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với Bộ Công an để kiểm tra căn cước công dân có trùng khớp với người đăng ký hay không. Thêm vào đó, phải dùng Video call để xác thực lại và phải thêm eKYC để đảm bảo người đăng ký là người thật, có định danh. Có như vậy, kênh đăng ký online mới đảm bảo thông tin cá nhân chính xác.











Mang di dong ao xin duoc thu nghiem phat trien thue bao qua hinh thuc online


Cac mang di dong ao vua gui don kien nghi len Bo TT&TT, xin duoc thu nghiem trien khai phat trien thue bao thong qua hinh thuc truc tuyen tren nguyen tac tuan thu tuyet doi cac quy dinh ve quan ly thong tin thue bao.

Mạng di động ảo xin được thử nghiệm phát triển thuê bao qua hình thức online

Các mạng di động ảo vừa gửi đơn kiến nghị lên Bộ TT&TT, xin được thử nghiệm triển khai phát triển thuê bao thông qua hình thức trực tuyến trên nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối các quy định về quản lý thông tin thuê bao.
Mạng di động ảo xin được thử nghiệm phát triển thuê bao qua hình thức online
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: