Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, đất nông nghiệp của thành phố liên tục giảm sau mỗi năm. Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, đã có 700 ha đất nông nghiệp biến mất mỗi năm, tiếp đó từ 2015 – 2020 con số lên đến 1000ha.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp của TP.HCM vẫn tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2015 một ha đất nông nghiệp giúp người nông dân thu về 375 triệu đồng mỗi năm và giai đoạn 2015-2020 con số này tăng lên 500 triệu.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM chia sẻ tại toạ đàm "Thực trạng, giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045", được tổ chức ngày 6/10 vừa qua, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng.
Để làm được điều này chính quyền thành phố xác định nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của ngành. Theo đó, TP.HCM sẽ tập trung vào phát triển khoa học hiện đại trong nông nghiệp và việc ứng dụng công nghệ cao là điều bắt buộc.
Ông Đinh Minh Hiệp cho rằng, TP.HCM phải trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, con chất lượng cao, trong đó phải ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra nguồn giống cây, con, giúp nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng. Và việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thành phố mà còn cung cấp cho toàn vùng, cũng như xuất khẩu ra các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, muốn nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM phát triển, theo ông Đinh Minh Hiệp, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã để song hành cùng các đơn vị nhà nước trong việc đầu tư nghiên cứu sản xuất, tạo ra nhiều giống chất lượng cao.
Đồng thời, các đơn vị tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại hay tư vấn xây dựng dự án…
Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.
TP.HCM đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trên cả nước từ năm 2004 tại Củ Chi, Trung tâm công nghệ sinh học tại quận 12, hiện đang hoạt động đúng hướng và hiệu quả.
Về tầm nhìn của ngành nông nghiệp TP.HCM, ông Phạm Đình Dũng cho biết, thành phố kết hợp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản hàng hoá, đi kèm với phát triển không gian du lịch sinh thái, nâng cao giá trị và đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội.
Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố cũng đang mở rộng quy mô từ trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nhằm đi theo xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hội nhập với thế giới.
Theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên, chuyên gia của Viện Sáng kiến Việt Nam, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, TP.HCM cần thúc đẩy phát triển công đoạn chế biến sản xuất nông nghiệp. Trong đó tiến hành ứng dụng công nghệ cao trong chế biến; Ứng dụng khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc; Thúc đẩy chế biến nông nghiệp dựa trên cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp và người tiêu dùng làm trọng tâm, đồng thời đòi hỏi sự cam kết của chính quyền.
Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên cho rằng, TP.HCM cần trở thành trung tâm của vùng, thay vì bó gọn hoạt động trong phạm vi của mình. Theo tiến sĩ, sản xuất nông nghiệp chỉ có giá trị chừng 15%, còn lại của các khâu khác như chế biến, nên TP.HCM cần tận dụng lợi thế khi có vị trí ở trung tâm, thuận lợi trong vận chuyển; so với các tỉnh, thành khác, thành phố cũng có các khu chế biến rất mạnh, gần nguồn nguyên liệu, trung tâm logistics, đặc biệt sau này với sự xuất hiện của siêu cảng ở Cần Giờ sẽ vô cùng thuận lợi trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải sớm ứng dụng công nghệ mớiThái Lan đã sớm ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) vào nông nghiệp công nghệ cao và Việt Nam cần sớm làm điều đó.