Một sàn thương mại điện tử chuyên về sản phẩm thủ công và đặc sản của Việt Nam vừa ra mắt thị trường trong nước vào hôm 4/10. Sàn quy tụ tới 500 thương hiệu và 6.000 sản phẩm, gồm những tác phẩm thủ công, đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu dùng được sản xuất với số lượng giới hạn, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nội địa và cả những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, tại sàn Chus, khách hàng dễ dàng tìm được những sản phẩm phong phú, chất lượng, đóng gói đẹp mắt của The Hồ Tiêu (Phú Quốc), sản phẩm chăm sóc da và tóc từ vườn rừng của Rị Mọ (Đồng Tháp), kẹo dừa nhiều hương vị của Chái Bếp (Bến Tre), kẹp tóc thêu tay tỉ mỉ của fragile.house (Quảng Nam), trang sức sơn mài của Đại Nghĩa - Huế (Thừa Thiên Huế), tương ớt theo công thức cổ truyền của SPICO (Thanh Hoá)... Đặc biệt, với những sản phẩm thủ công, người dùng còn có thể trao đổi trực tiếp với nghệ nhân, nghệ sĩ để có những chi tiết cá nhân hoá theo phong cách riêng.
Điều đặc biệt, người sáng lập và điều hành sàn thương mại điện tử này là một doanh nhân người Hàn Quốc, ông Injoon Song. Người sáng lập cho biết, sàn thương mại điện tử sản phẩm thủ công và đặc sản Việt bắt đầu được thai nghén từ năm 2020, giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong suốt 4 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông Injoon Song đã có cơ hội được đi đến hầu hết các tỉnh thành từ Bắc chí Nam và chưa bao giờ thôi bất ngờ về những sản vật địa phương và những tác phẩm tỉ mỉ, độc đáo của những người thợ thủ công. Theo ông, sẽ thật đáng tiếc nếu những sản phẩm thủ công này hay các đặc sản địa phương bị mai một hoặc bị giới hạn trong một phạm vi nhỏ bé nào đó, đồng thời tin rằng đây sẽ là những viên ngọc quý, xứng đáng được người Việt và cả những người nước ngoài yêu Việt Nam như ông biết đến, sử dụng và tự hào. Đó là lý do Chus ra đời.
Để có sàn thương mại điện tử khá đặc biệt và quy mô này, vị Giám đốc điều hành người Hàn đã đầu tư nguồn lực vào ba hoạt động chính gồm: Tìm kiếm những sản phẩm Việt độc đáo của ba miền, bao gồm cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất; Hỗ trợ thợ thủ công, nghệ nhân, nhà sản xuất (quy mô nhỏ) trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng gói và quảng bá một cách bài bản, chuyên nghiệp; Đưa những tác phẩm, sản phẩm này lên nền tảng để tiếp cận rộng rãi đến khách hàng cả trong và ngoài nước.
Đưa các sản phẩm thủ công hay nông sản Việt, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản địa phương lên bán trên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số là một mục tiêu được các Bộ, ngành và địa phương thực hiện trong thời gian dài vừa qua.
Từ trước đến nay, mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của ngành nông nghiệp, tuy nhiên, người nông dân thường ít có lựa chọn đầu ra cho sản phẩm của mình, đa phần phụ thuộc vào thương lái để tiêu thụ. Với việc bán sản phẩm qua rất nhiều khâu trung gian và nông dân thì phụ thuộc vào thương lái, dẫn đến không có lợi nhuận nhiều, còn người tiêu dùng cuối lại phải chịu mức giá khá cao.
Nhiều sàn thương mại điện tử trong nước trong những năm trở lại đây đã hỗ trợ người nông dân đưa các sản phẩm đặc sản của địa phương lên mạng để bán, có thể kể đến như Sendo và Postmart.
Trong đó, sàn Postmart được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai từ năm 2019 nhằm mục đích kết nối trực tiếp với người nông dân và khách hàng, đến tháng 2/2023 đã có hơn 5,3 triệu tài khoản của các hộ nông dân được kích hoạt thành công trên sàn, hỗ trợ đưa 149.000 sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành lên giao dịch. Trong đó, các sản phẩm được đưa lên sàn tập trung vào các sản phẩm nông sản và nông sản chế biến, sản phẩm OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ…
Ngoài ra, vào đầu năm nay Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok cũng đã ký kết hợp tác Chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cụ thể, TikTok hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá và bán hàng các nhóm sản phẩm về thực phẩm, nông sản trên nền tảng này giúp các địa phương, đồng thời thí điểm số hóa một số làng nghề truyền thống và hỗ trợ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, loại hình thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân thông qua các công cụ sáng tạo trên nền tảng.