Ngày 6/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cục CNTT – Ngân hàng Nhà nước, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cùng IEC phối hợp tổ chức Hội thảo và triển lãm quốc tế Smart Banking 2023 tại Hà Nội, với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”.
Chọn chủ đề về dữ liệu, Smart Banking năm nay là một hoạt động hưởng ứng thông điệp “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới” của Năm dữ liệu số quốc gia.
Khai mạc phiên toàn thể của sự kiện, ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều chỉ thị, thông tư, kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. “Điều này cho thấy Việt Nam đang có tốc độ mở rộng và tiềm năng phát triển các ứng dụng ngân hàng số rất lớn, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng ngành ngân hàng”, ông Trần Văn Tần nhấn mạnh.
Bên cạnh việc điểm ra những kết quả của ngành ngân hàng trong hoạt động chuyển đổi số nói chung cũng như việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu số, ông Trần Văn Tần cũng nhận định trong quá trình này các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu.
Chuyển đổi số có nhiều yếu tố mới, phức tạp, và thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải liên tục tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kỳ vọng rằng Hội thảo “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số” thực sự là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng các ngân hàng, tổ chức tín dụng cùng thảo luận về các vấn đề để chuyển đổi số ngành ngân hàng thành công và bền vững.
Khẳng định chuyển đổi số ngành ngân hàng đang đi đúng hướng, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngành ngân hàng đã sớm có kế hoạch chuyển đổi số với rất nhiều mục tiêu có thể đo, đếm được. Một trong 9 nhóm giải pháp được đề ra trong kế hoạch là phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số.
Huy động vốn, cho vay và thanh toán và 3 hoạt động chính các ngân hàng đang cung cấp cho khách hàng. Đến nay, huy động vốn đã hoàn toàn điện tử. Từ ngày 1/9, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư cho phép cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng với hạn mức tối đa 100 triệu đồng bằng phương tiện điện tử; còn với hoạt động thanh toán, hiện các ngân hàng đã xác thực mở tài khoản bằng eKYC.
“Nhờ những chính sách này, đến nay tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản đã lên tới gần 75%. Đây là con số rất ấn tượng. Nếu không có tài khoản ngân hàng thì không làm được gì, nhưng bắt người dân trực tiếp ra điểm giao dịch để mở tài khoản thì nhiều người sẽ không đến”, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng dữ liệu số chính là câu trả lời cho 2 câu hỏi, 2 vấn đề chính để có thể thực hiện an toàn, tiện lợi hoạt động cho vay điện tử, đó là xác định người mở tài khoản, thực hiện giao dịch ngân hàng là ai trên không gian mạng và uy tín của người vay điện tử thế nào, liệu có trả nợ được không.
“Các ngân hàng cần sử dụng dữ liệu căn cước công dân như là một trong những nguồn dữ liệu đầu vào để quyết định việc cho vay của mình”, ông Phạm Tiến Dũng nêu quan điểm.
Cũng theo phân tích của đại diện Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã có số lượng giao dịch trên kênh số đạt trên 90%, cá biệt có những ngân hàng lên tới 97 - 98%, do đó việc quản trị ngân hàng cũng phải thay đổi hoàn toàn, phải sử dụng dữ liệu quản trị, ứng xử. Đơn cử như, ngân hàng không thể sử dụng những phương pháp phòng chống rửa tiền bằng cách ‘lật từng chứng từ’ được.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng tập trung làm sạch, số hóa những dữ liệu đã có; đồng thời ứng dụng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng; và đặc biệt là phải ứng dụng dữ liệu để đảm bảo rằng người thực hiện giao dịch đúng là người đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng.
Chỉ rõ trong 3 khâu trên, khâu thứ 3 rất quan trọng, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ có những thông điệp ‘cứng rắn’ hơn nữa, đó là sẽ không chấp nhận 1 giao dịch của một người được thực hiện không phải là người đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng.
Ví dụ, người thực hiện giao dịch chuyển tiền phải đúng là chủ tài khoản hoặc là người được chủ tài khoản ủy quyền. Có như vậy, ngành ngân hàng có nguồn dữ liệu đúng, không thể để tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
Chia sẻ 5 định hướng giải pháp sẽ được ngành ngân hàng tập trung thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ, một trong số đó là tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng...