Thông báo được TikTok Indonesia đưa ra sau khi Bộ Thương mại nước này cho TikTok thời hạn một tuần để trở thành ứng dụng độc lập, không kèm tính năng thương mại điện tử. Nếu không tuân thủ, TikTok có nguy cơ bị đóng cửa.
Trong tuyên bố, TikTok khẳng định ưu tiên của công ty là tuân thủ luật pháp, quy định địa phương. Do đó, từ 17h ngày 4/10, chức năng giao dịch thương mại điện tử trên TikTok Shop Indonesia sẽ bị tạm dừng. Nền tảng sẽ tiếp tục phối hợp với nhà chức trách có liên quan cho công việc sau này.
Gần đây, Tống thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi quản lý các mạng xã hội nghiêm ngặt hơn. Ông cho biết làn sóng các nền tảng mạng xã hội là một nguyên nhân khiến doanh số nội địa sụt giảm vì thị trường tràn ngập sản phẩm nhập khẩu.
Tuần trước, chính phủ Indonesia cấm giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội như TikTok và Facebook. Quy định mới giáng đòn mạnh vào tham vọng tại Đông Nam Á của TikTok. CEO Shou Zi Chew từng nói sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực để tìm cách đa dạng hóa hoạt động trên toàn cầu dưới áp lực leo thang từ Mỹ.
Indonesia là thị trường Đông Nam Á lớn nhất và lớn thứ hai thế giới của mạng xã hội này với 125 triệu người dùng, chỉ sau Mỹ. Sachin Mittal, Giám đốc nghiên cứu viễn thông, truyền thông và công nghệ của ngân hàng DBS Bank, nhận định nếu đứng riêng, TikTok sẽ gặp khó và sụt giảm mạnh về lượng sử dụng. Ông giải thích hầu hết các khoản mua sắm trên ứng dụng đều là “bốc đồng”.
(Theo CNBC)
TikTok cử nhân viên đến Indonesia sau lệnh cấm mạng xã hội bán hàngTheo SCMP, TikTok đã gửi một nhóm từ trung tâm đầu não Singapore đến Jakarta sau khi Indonesia công bố lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội.