2G sụt giảm
Tính đến cuối năm 2022, 10 quốc gia đã tắt sóng 2G hoàn toàn. Tại Hàn Quốc, LG Uplus là nhà mạng cuối cùng tắt sóng 2G vào ngày 1/7/2021, theo sau các đối thủ SKT (tháng 7/2020) và KT (đầu năm 2012).
Theo TeleGeography, châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương đi đầu về đóng các mạng 2G cũ.
Nước đầu tiên trên thế giới hoàn tất tắt sóng 2G là Nhật Bản, vào tháng 9/2012. Từ đó tới nay, các thị trường đáng chú ý khác làm điều tương tự bao gồm Macau (tháng 6/2015), Singapore (tháng 4/2017), Australia (tháng 6/2018).
Ngoài hai khu vực trên, nhiều nước khác cũng chuẩn bị đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên 2G. Rogers, nhà mạng di động lớn duy nhất hỗ trợ 2G của Canada, duy trì băng tần 850MHz cho cả mạng 2G GSM và 3G W-CDMA, tuy nhiên, 2G chỉ dùng hạn chế tại vùng sâu vùng xa, nơi mạng 3G chưa tiếp cận được.
Tại Thụy Sỹ, nhà mạng lớn thứ hai Sunrise bắt đầu tắt sóng 2G dần dần từ ngày 3/1/2023 sau khi tuyên bố lần đầu vào tháng 8/2022. Đối thủ Salt và Swisscom đã hoàn thành tắt sóng 2G lần lượt vào tháng 12/2020 và tháng 4/2021.
Sau khi dự định đóng mạng 2G vào cuối năm 2022, nhà mạng Etisalat và Du của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đang muốn đạt mục tiêu vào cuối năm nay.
Theo cơ sở dữ liệu GlobalComms của TeleGeography, 89 quốc gia trên thế giới ghi nhận thuê bao 2G chiếm chưa tới 10% tổng số thuê bao. Đến năm 2028, 172 quốc gia sẽ có ít nhất 90% thuê bao di động dùng mạng 3G, 4G hoặc 5G.
"Hoàng hôn" của 3G
Đối với 3G, nơi đầu tiên tắt dịch vụ hoàn toàn là Đài Loan (Trung Quốc) vào cuối năm 2018. Cho đến nay, các nước đã tắt sóng 3G là Cộng hòa Séc (tháng 11/2021), Đức (tháng 12/2021), Singapore (tháng 12/2021) và Malaysia (tháng 3/2022).
Những nước sẽ tạm biệt 3G trong năm nay là Đan Mạch, Slovakia, Hy Lạp, Hungary, Thụy Điển.
Bốn nhà mạng lớn của Đan Mạch đóng mạng W-CDMA vào quý I/2023, một số băng tần 2100MHz đã được chuyển sang hỗ trợ công nghệ 4G. Tại Slovakia, ba hãng viễn thông Slovak Telekom, O2 và Orange dự định hoàn thành tắt sóng 3G vào cuối năm 2024.
Mỹ cũng tắt sóng 3G hoàn toàn để mở đường cho 4G, 5G. Cụ thể, AT&T là nhà mạng đầu tiên “bấm nút” khai tử vào đầu năm 2017, T-Mobile và Verizon vào giữa và cuối năm 2022. Verizon ước tính quyết định ảnh hưởng đến 909.000 thuê bao trả sau (gồm 576.000 khách hàng cá nhân và 333.000 doanh nghiệp), cũng như 237.000 thuê bao trả trước.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thị trường chưa sẵn sàng cho mạng 2G, 3G “nghỉ hưu”. Chẳng hạn, Anh nhiều khả năng duy trì dịch vụ GSM cho đến đầu những năm 2030. Công nghệ cũ được giữ lại để hỗ trợ khách hàng đang dùng thiết bị lạc hậu, trong khi các đồng hồ tiện ích thông minh cũng cần phải nâng cấp từ 2G/3G lên 4G.
Tháng 2/2023, nhà quản lý viễn thông Anh Ofcom công bố tài liệu mang tên “Tắt sóng 2G, 3G: Kỳ vọng đối với các nhà mạng”. Dù tắt sóng do nhà mạng thực hiện và Ofcom không có vai trò chính thức trong quy trình, nhà quản lý mong muốn “bảo đảm mọi khách hàng được đối xử công bằng và tiếp tục truy cập dịch vụ cần thiết”.
Các yếu tố nhà chức trách muốn nhà mạng cân nhắc bao gồm: hạn chế giảm khu vực phủ sóng; cung cấp thông tin chính xác về việc tắt mạng; liên lạc và hỗ trợ khách hàng liên quan đến việc nâng cấp thiết bị; giảm tác động đến các dịch vụ đang sử dụng mạng cũ như cảnh báo y tế từ xa, thiết bị thanh toán đầu cuối.
(Theo TeleGeography)
Singapore miễn phí nâng cấp SIM 4G, 5G khi tắt sóng 3GBa nhà mạng Singtel, StarHub, M1 của Singapore sẽ tắt sóng 3G từ ngày 31/7/2024. Khoảng 1% thuê bao di động tại đảo quốc sư tử còn sử dụng mạng này.