TikTok cử nhân viên đến Indonesia sau lệnh cấm mạng xã hội bán hàng

Theo SCMP, TikTok đã gửi một nhóm từ trung tâm đầu não Singapore đến Jakarta sau khi Indonesia công bố lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội.


TikTok đối mặt với nguy cơ tổn thất doanh thu lớn sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm. Ứng dụng video ngắn của ByteDance đang đặt hy vọng tăng trưởng vào mảng thương mại điện tử (TMĐT). Công ty bắt đầu cung cấp tính năng mua sắm trên ứng dụng từ giữa năm 2021 và thu hút nhiều nhà bán hàng đến với nền tảng của mình. Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á với 273 triệu người, là thị trường quan trọng với hãng, bên cạnh Mỹ và Anh.


Một người bán quần áo tại Indonesia qua livestream. (Ảnh: Reuters)

Trong tuyên bố, TikTok “quan ngại sâu sắc” về quyết định của Indonesia vì có thể “ảnh hưởng đến sinh kế của 6 triệu người bán hàng và gần 7 triệu nhà sáng tạo nội dung liên kết đang dùng TikTok Shop”.


Ngoài ra, ứng dụng khẳng định tuân thủ luật pháp địa phương và sẽ theo đuổi lộ trình có tính chất xây dựng về sau. Điều này gợi ý công ty đang tìm ra cách làm phù hợp với quy định mới nhưng vẫn tiếp tục phát triển mảng TMĐT. Ngoài Indonesia, TikTok Shop đang hoạt động tại Mỹ, Anh, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore và Thái Lan.


Bloomberg News đưa tin, quan chức TikTok đã cố gắng gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào ngày 26/9, song yêu cầu bị bác bỏ.


Trước đó, TikTok không ít lần gặp sóng gió tại nước này. Tháng 7/2018, Indonesia là nước đầu tiên cấm ứng dụng vì phát tán “nội dung khiêu dâm, không phù hợp và báng bổ”. Ứng dụng đã bổ sung người kiểm duyệt nội dung để lệnh cấm được dỡ bỏ 8 ngày sau đó.


Tháng 4/2019, TikTok bị chợ Google Play và App Store Ấn Độ xóa. Tháng 6/2022, TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác bị Ấn Độ cấm vì lý do an ninh quốc gia. Trước khi bị cấm, nền tảng có hơn 200 triệu người dùng trong nước.


Đông Nam Á là thị trường tăng trưởng quan trọng với TikTok, nhưng nếu các nước khác làm theo Indonesia, cấm mạng xã hội bán hàng, nó sẽ làm suy yếu tiềm năng TMĐT của ứng dụng. Cùng lúc này, TikTok còn đối mặt với thách thức từ Mỹ và châu Âu, chủ yếu do các vấn đề an ninh quốc gia.


Động thái của Indonesia dường như có mục tiêu khá rõ ràng vì TikTok là mạng xã hội duy nhất trong nước vận hành TMĐT cùng dịch vụ thanh toán. Theo Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan, lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức nhằm ngăn chặn sự thống trị của thuật toán và chặn đứng việc sử dụng dữ liệu cá nhân vì lợi ích kinh doanh.


Trong tuyên bố tiếp theo, ông Hasan cho biết lệnh cấm nhằm “tạo ra hệ sinh thái TMĐT công bằng, lành mạnh và có lợi, bằng cách cấm các sàn và người bán hàng TMĐT đóng vai trò như nhà sản xuất và tạo điều kiện giao dịch trên hệ thống điện tử”. Ông bổ sung, các sàn và người bán chỉ có thể cung cấp hoặc quảng bá hàng hóa, dịch vụ.


Tính đến tháng 6, quan hệ của TikTok và Indonesia vẫn còn đầy hứa hẹn. CEO Shou Zi Chew ghé thăm Jakarta tháng ấy, hứa đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này trong các năm tiếp theo. Tại một hội thảo trong chuyến công tác, ông chia sẻ người Indonesia chiếm hơn 1/3 tổng số người dùng tích cực hàng tháng của TikTok tại Đông Nam Á.


Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia Teten Masduki chỉ ra, những người bán hàng tại Tanah Abang – chợ bán buôn lớn nhất Đông Nam Á – ghi nhận doanh số giảm 50% do cạnh tranh trực tuyến. Dù vậy, ông không đưa ra khung thời gian cụ thể.


(Theo SCMP)


TikTok cử nhân viên đến Indonesia sau lệnh cấm mạng xã hội bán hàng Indonesia chính thức cấm bán hàng trên TikTokNgày 27/9, Indonesia ra thông báo cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội, động thái giáng mạnh vào TikTok, ứng dụng video ngắn đang đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.