Thấy gì từ tham vọng bán dẫn của Ấn Độ?

Bước vào sân chơi bán dẫn quy mô toàn cầu, Ấn Độ cũng phải đối mặt những bài toán lớn, từ kinh nghiệm đúc chip, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho đến nhân lực chuyên môn.


Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục siết chặt xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc và toàn ngành công nghiệp bán dẫn đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế, Ấn Độ có thể trở thành nguồn cung cấp nhân lực AI, cơ sở đúc chip, cũng như thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ những công ty như Nvidia.


Bloomberg dẫn tin, CEO Jensen Huang của Nvidia vừa có chuyến công tác kéo dài 5 ngày đến quốc gia Nam Á. Tại đây, người đứng đầu công ty bán dẫn vốn hoá lớn nhất thế giới, cho biết Ấn Độ có thể trở thành “một trong những thị trường AI lớn nhất thế giới”.


Nvidia đặt cược Ấn Độ sẽ trở thành một trong những thị trường AI lớn nhất thế giới.

Tại cuộc họp với những nhà nghiên cứu hàng đầu ở Delhi, Huang đề cập tới việc đào tạo lại toàn bộ lực lượng lao động của đất nước này, cùng với việc xây dựng các mô hình AI tương lai bằng dữ liệu và nhân lực của Ấn Độ.


“Các bạn có nguồn dữ liệu và lực lượng lao động khổng lồ”, Huang nói trong buổi họp báo tại Bangalore. “Đây sẽ trở thành một trong những thị trường AI lớn nhất thế giới”.


Neil Shah, Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Counterpoint Technology Market Research, cho biết, “Ấn Độ là thị trường lớn duy nhất còn lại”, sau khi các nhà sản xuất chip không thể bán vi xử lý cao cấp cho Trung Quốc, do lo ngại nước này sẽ sử dụng sản phẩm cho mục đích quân sự.


Delhi mặc dù sở hữu lực lượng kỹ sư công nghệ hùng hậu, song vẫn còn cách khá xa năng lực sản xuất bán dẫn tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của Nivdia. Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra tham vọng thúc đẩy sản xuất điện tử, cũng như tận dụng AI làm đòn bẩy kinh tế kỹ thuật số.


Nước này đã rót hàng tỷ USD trợ cấp thiết lập cơ sở hạ tầng sản xuất chip, nhằm thu hút những công ty như Nvidia, AMD và Intel.


Nandan Nilekani, Chủ tịch Infosys, nhà thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng của Ấn Độ, cho biết quốc gia này có vai trò “chiến lược đối với tương lai Nvidia, khi chính phủ đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng AI”.


Trước Nvidia, Ấn Độ đã thành công trong việc lôi kéo những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Amazon chuyển hoạt động sản xuất hợp đồng từ Trung Quốc sang quốc gia Nam Á.


Xuất phát điểm


Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ chi hàng tỷ USD để vươn đến trình độ sản xuất hiện đại. Song, đối với lĩnh vực bán dẫn, nước này chỉ có một số kinh nghiệm về thiết kế chip và chưa từng làm xưởng đúc. Trong khi đó, gần như tất cả các chip tiên tiến, gồm cả những sản phẩm do Nvidia thiết kế, đều được sản xuất tại Đài Loan.


Ấn Độ sẽ phải giải quyết nhiều bài toán, trước khi có thể sản xuất những con chip phức tạp cho Nvidia. Ảnh: Bloomberg.

Sashikumaar Ganesan, Chủ tịch bộ phận khoa học dữ liệu và tính toán tại Viện Khoa học Ấn Độ, cho biết nước này hiện không có năng lực tính toán “exascale”, tức khả năng xử lý một tỷ tỷ phép tính mỗi giây, cũng như không có kỹ sư viết phần mềm AI phức tạp. Do đó, bên cạnh cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động điện toán cao cũng là một nội dung Nvidia sẽ hỗ trợ xây dựng.


Về lợi thế, Krishna Moorthy, CEO tập đoàn India Electronics và Hiệp hội bán dẫn Ấn Độ, cho hay, đây vẫn là thị trường phát triển nhanh chóng cho các công nghệ cao cấp. “Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Ấn Độ, chính phủ có thể cần tới hơn 100.000 GPU để xây dựng các nền tảng đám mây AI, nhằm đáp ứng bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư dữ liệu và nội địa hoá dữ liệu”.


Chưa kể, những gã khổng lồ viễn thông nội địa như Jio Reliance đang thu thập hàng tỷ điểm dữ liệu hằng ngày, từ nửa tỷ người dùng di động, cũng như hàng trăm triệu nhà bán lẻ.


Đây là nguồn tài nguyên quý giá để “Ấn Độ có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng kỹ thuật số tiếp theo”, thời điểm cần đến những con chip AI.


Hiện Nvidia có bốn trung tâm kỹ thuật tại Ấn Độ, với tổng số hơn 4.000 kỹ sư, nhiều thứ hai, chỉ sau Mỹ.


(Theo Bloomberg)


Nhu cầu chip AI tăng mạnh, doanh thu Nvidia lập kỷ lục

Nhu cầu chip AI tăng mạnh, doanh thu Nvidia lập kỷ lục

Nhà sản xuất chip Nvidia ghi nhận doanh thu quý II/2023 tăng 101% so với một năm trước nhờ “cơn sốt” phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy nhu cầu chip AI trên toàn cầu.
Mỹ thúc giục toàn ngành công nghiệp bán dẫn ‘quay lưng’ với Trung Quốc

Mỹ thúc giục toàn ngành công nghiệp bán dẫn ‘quay lưng’ với Trung Quốc

Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ sẽ có cuộc họp với Hiệp hội bán dẫn nước này nhằm thuyết phục toàn ngành công nghiệp hạn chế đầu tư sang đối thủ của Washington.