Robot không thể thay thế con người trong lĩnh vực sáng tạo

Ngày 30/6, nhạc trưởng robot đầu tiên của Hàn Quốc chính thức ra mắt. Tuy nhiên, người phát triển robot này khẳng định nó không thể thay thế con người.


Nhạc trưởng robot đầu tiên của Hàn Quốc chính thức ra mắt vào ngày 30/6. Buổi hòa nhạc được chia làm ba phần: phần đầu được dẫn dắt bằng robot, phần thứ hai là nhạc trưởng Choi Soo Yeoul và phần ba cả hai cùng đứng trên sân khấu.


Lee Dong Wook, nhà nghiên cứu trưởng tại Viện công nghiệp Hàn Quốc - người đứng sau robot này - cho biết muốn khám phá tiềm năng của nó trong những lĩnh vực vốn chỉ dành cho con người, cũng như phản ánh việc chung sống giữa người và robot.


Nhạc trưởng robot và con người cúi chào sau buổi diễn ngày 30/6 tại Nhà hát quốc gia Hàn Quốc. (Ảnh: Nhà hát quốc gia Hàn Quốc)

Ông nhận xét: “Trong tương lai gần, sự phát triển của AI và robot sẽ dẫn đến kỷ nguyên nơi robot cùng tồn tại với chúng ta trong nhiều lĩnh vực cuộc sống”. Ông tin rằng, dù công nghệ AI tiến bộ đến đâu, rất khó để robot có sự sáng tạo. Con người sinh ra đã có cảm xúc, robot không thể có cảm xúc như con người. Robot có thể là công cụ hỗ trợ sức sáng tạo của con người.


Buổi hòa nhạc có sự tham gia của nhạc trưởng robot diễn ra suôn sẻ, không gặp sự cố nào. EveR 6 – robot hình người với hai cánh tay – có thể mô phỏng chuyển động nhanh của con người nhờ các mô tơ điện nhỏ ở các khớp. Dù vậy, nó chưa thể xử lý nếu các nhạc công mắc lỗi hay có thay đổi trong nhịp điệu.


Kim Bo Deul Saem, nghệ sỹ thổi sáo trong buổi diễn, chia sẻ, trong các buổi tập luyện và tổng duyệt, nhạc trưởng robot không thể đưa ra yêu cầu nào với nhạc công và chỉ giữ nhịp như máy đếm nhịp. Các nghệ sỹ phải vất vả để theo kịp các lệnh của robot vì nó không chú ý đến nhịp thở của họ. Ngoài ra, họ cũng không thể giao tiếp bằng mắt với robot như với con người.


Còn theo Baek Bo Hyun, Tiến sỹ văn hóa và nghệ thuật, các bản nhạc do nhạc trưởng Choi dẫn dắt xúc động hơn nhiều so với nhạc trưởng robot. Biểu cảm gương mặt, cử chỉ, cách diễn giải tác phẩm, tương tác với các nhạc công là thứ mà robot thiếu sót. Song, bà cho rằng đây sẽ là bước khởi đầu cho những nhạc trưởng robot.


Sinh viên âm nhạc Lee Su Ho, Đại học quốc gia Seoul, nhận xét buổi diễn thú vị, đặc biệt khi cả robot và con người cùng nhau chỉ đạo.


Theo nhà nghiên cứu Lee, ông và nhóm của mình đã bắt đầu dùng công nghệ AI tạo sinh để học dữ liệu chuyển động của con người. Khi công nghệ chín muồi, robot có thể thực hiện cử chỉ phù hợp khi nói chuyện với con người hay làm hoạt động gì đó. Do robot không có cảm xúc, chúng chỉ hỗ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp với các vị trí trong lĩnh vực sáng tạo như chỉ huy dàn nhạc, soạn nhạc, ông nói.


Refik Anadol

Nhiều nghệ sỹ cũng đồng tình với quan điểm AI và robot sẽ không thể thay thế sức sáng tạo của con người. Refik Anadol, một nghệ sỹ truyền thông số Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết sáng tạo cần liên kết mạnh mẽ giữa cảm xúc và trí nhớ, thứ mà AI không bao giờ có. Những tiến bộ gần đây trong AI có thể là nguy cơ thực sự với giới nghệ thuật nhưng anh không nghĩ nó sẽ đe dọa tương lai của sáng tạo.


Bản thân Anadol dùng các công nghệ hiện đại như AI, máy học, điện toán lượng tử khi thực hiện các tác phẩm sắp đặt và điêu khắc của mình. Anh xem AI là cơ hội để cộng tác với máy móc, khám phá các ý tưởng nghệ thuật táo bạo nhất, đột phá nhất và viễn tưởng nhất.


(Theo Korea Times, PNA)


Robot không thể thay thế con người trong lĩnh vực sáng tạo Xem robot chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tại Hàn QuốcRobot mang tên EveR 6 đã gây ấn tượng mạnh với khán giả Hàn Quốc khi chỉ huy một buổi hòa nhạc tại Seoul.