Bộ trưởng Công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết, công ty bán dẫn Micron Technology của Mỹ sẽ khởi công nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip tại Gujarat vào tháng 8. Dự án của Micron Technology trị giá 2,75 tỷ USD, bao gồm cả tài trợ từ Chính phủ Ấn Độ.
Ông Vaishnaw cũng tiết lộ, bộ phận Sứ mệnh bán dẫn Ấn Độ (ISM) đang tích cực làm việc để thu hút hỗ trợ từ các đối tác cung ứng nguồn khác, bao gồm nhà cung ứng hóa học, khí đốt, thiết bị sản xuất, cùng các công ty quan tâm đến mở nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (silicon wafer).
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Vaishnaw khẳng định Ấn Độ là nước thiết lập một ngành công nghiệp mới nhanh nhất thế giới. “Tôi không chỉ nói về một công ty mới, đây là ngành công nghiệp hoàn toàn mới với cả nước”, ông chia sẻ. “18 tháng là thời hạn chúng tôi đặt mục tiêu nhà máy sản xuất sản phẩm đầu tiên – chính là ngày 24/12”.
Financial Times nhận định, khung thời gian 18 tháng khá gấp đối với chính quyền Thủ tướng Narendra Modi khi muốn xây dựng năng lực sản xuất smartphone, pin, xe điện và đồ điện tử khác. Mảng sản xuất công nghệ của nước này vẫn đi sau các nền kinh tế châu Á khác, nổi bật là Trung Quốc, vốn bắt đầu sớm hơn và tài trợ mạnh tay hơn.
Một số nhà phê bình lập luận Chính phủ Ấn Độ đặt ra tiêu chuẩn quá cao khi muốn tái tạo toàn bộ một ngành công nghiệp đòi hỏi khắt khe như công nghiệp chip. Thay vào đó, họ nên tập trung vào từng thành phần của chuỗi giá trị, nơi đã chứng tỏ được chuyên môn, bao gồm thiết kế.
Dù vậy, Bộ trưởng CNTT và điện tử Ấn Độ bác bỏ phán xét này và cho rằng Ấn Độ đã có hơn 50.000 nhà thiết kế bán dẫn, gần như mọi con chip phức tạp của thế giới đều được thiết kế trong nước. “Hệ sinh thái đó đã có mặt ở đây. Xây nhà máy là bước kế tiếp, là thứ mà chúng tôi đang tập trung”.
Mỹ sẽ tăng cường hợp tác về chip với Ấn Độ. Không chỉ có Micron, nhà sản xuất thiết bị chip Applied Materials cũng thông báo kế hoạch đầu tư 400 triệu USD vào trung tâm kỹ thuật mới ở Bengaluru.
(Theo FT)
Chiến lược nào cho ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam?Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện nay được xem là “bệ phóng” cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử cũng như nền kinh tế. Lĩnh vực sản xuất này đang đứng trước những cơ hội mới cùng nhiều khó khăn, thách thức.