Chương trình “Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam” là hoạt động thường niên được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức từ 2014, với mục đích bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ICT Việt Nam theo từng lĩnh vực, đồng thời giới thiệu tới các đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí ngày 27/6 để giới thiệu chương trình này lần thứ 10, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho hay, qua gần 10 năm triển khai, chương trình “Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam” không những đã lựa chọn, giới thiệu tới thị trường những doanh nghiệp, thương hiệu uy tín, xuất sắc; mà còn góp phần tập hợp lực lượng doanh nghiệp dẫn đầu, định hình, dẫn dắt thị trường CNTT Việt Nam. Qua đó, hình thành một thị trường đầy đủ, có năng lực và đang gánh trách nhiệm tiên phong chuyển đổi số không chỉ Việt Nam, mà trên cả thị trường quốc tế.
Hưởng ứng chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam của Chính phủ, chương trình “Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam” có tên gọi mới là “Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam. Ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ đến hết ngày 28/7/2023.
Theo Ban tổ chức, “Top 10 doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam” năm 2023 sẽ lựa chọn và giới thiệu TOP 10 doanh nghiệp ICT trong 25 lĩnh vực, chia thành 6 nhóm: Các lĩnh vực truyền thống ngành CNTT (nền tảng chuyển đổi số, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT, BPO, dịch vụ & giải pháp chuyển đổi số, dịch vụ & giải pháp CNTT, sản xuất & phân phối thiết bị ICT); Các lĩnh vực ưu tiên chuyển đối số (chính phủ số, thành phố thông minh, thương mại điện tử, FinTech, EdTech, PropTech, HealthTech, AgriTech);
Các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ mới (A-IoT, blockchain, hạ tầng số, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, bảo mật, an toàn thông tin); Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ & sản xuất tiên phong triển khai công nghệ số; Các doanh nghiệp startup số; Nhóm xét bình chọn đặc biệt (tăng trưởng ấn tượng, danh hiệu doanh nghiệp nghìn tỷ).
Đặc biệt, chương trình năm nay bổ sung thêm 2 lĩnh vực mới gồm “Top 10 doanh nghiệp tiên phong triển khai công nghệ số” nhằm vinh danh các tập đoàn, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tốc phát triển; và “Top 10 doanh nghiệp tư vấn giải pháp chuyển đổi số” dành cho các doanh nghiệp, tổ chức đã xây dựng được đội ngũ và năng lực tư vấn chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Cũng như các năm trước, Top 10 doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023 có 3 hoạt động chính gồm: Bình chọn doanh nghiệp trong 25 lĩnh vực; biên soạn ấn phẩm đặc biệt với 3 ngôn ngữ; và giới thiệu, quảng bá, kết nối hợp tác với đối tác, khách hàng tiềm năng trong nước và quốc tế.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Giang, nhu cầu chuyển đổi toàn cầu vẫn tăng. Khi kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, thách thức lại chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng. Chuyển đổi số được các doanh nghiệp, tổ chức xác định triển khai nhanh chóng để vượt khó, tạo lợi thế cạnh tranh.
Vì thế, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác, hình thành các liên kết cùng nhau để nhanh chóng nâng cao năng lực tư vấn, triển khai chuyển đổi số, mở rộng thị trường quốc tế; hình thành các hệ sinh thái giải pháp số để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trong nước chuyển đổi số. “Chương trình Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc 2023 được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiệm vụ quan trọng này - Vinh danh các điển hình, hình thành và tập hợp các liên kết, hệ sinh thái công nghệ số xuất sắc giới thiệu đến thị trường trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ.
Doanh nghiệp công nghệ số chuyển từ gia công lắp ráp sang làm sản phẩm tích hợpĐiểm ra 3 giai đoạn chính của quá trình phát triển công nghiệp ICT, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn gia công lắp ráp và bắt đầu chuyển sang làm sản phẩm tích hợp.