Theo đó, FPT Retail (công ty con của FPT) được phép cung cấp các dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất, bao gồm dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced được cung cấp cho thuê bao viễn thông giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp. FPT Retail được phép cung cấp các dịch vụ này thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, tập trung vào định hướng phát triển các thuê bao sử dụng 3G/4G hoặc các công nghệ cao hơn.
Như vậy, FPT Retail sẽ cung cấp mạng di động ảo và sử dụng hạ tầng của các nhà mạng di động khác như Viettel, VNPT, MobiFone… Hiện FPT Retail chưa đưa ra thông tin sẽ chọn nhà mạng nào để sử dụng hạ tầng.
Hồi năm 2010, Bộ TT&TT cũng đã cấp phép cho một số mạng di động ảo như VTC, FPT... Theo giấy phép, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom và roaming với các mạng 2G trong nước. Thời điểm đó, VTC Digicom (công ty con của VTC) cho biết, công ty sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. Ngoài nhà mạng này, VTC sẽ nghiên cứu các phương án roaming với các mạng di động khác, để mở rộng vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng - những nơi mà mạng 3G của EVN Telecom chưa vươn đến được. FPT tuy được cấp phép mạng di động ảo nhưng lúc đó không đưa ra kế hoạch kinh doanh và hợp tác với các nhà mạng có hạ tầng.
Hiện FPT Retail gia nhập thị trường viễn thông di động với rất nhiều lợi thế khi sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1300 cửa hàng dược phẩm Long Châu.
Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu máy điện thoại smartphone và thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh. FPT là đối tác của nhiều hãng công nghệ toàn cầu và đã cung cấp nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng, dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin cho các công ty viễn thông di động Việt Nam và quốc tế trong suốt hàng chục năm nay.
Thông tin từ FPT cho hay, thời gian để triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng di động ảo mới sẽ mất từ 12 đến 15 tháng, FPT Retail với lợi thế về công nghệ và sự hỗ trợ từ tập đoàn FPT kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian này và sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Tính đến thời điểm này, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam gồm Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và , FPT Retail. Theo số liệu của Cục Viễn thông đến ngày 30/4, số lượng thuê bao điện thoại di động của các nhà mạng này phát triển được là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.
Hiện thị trường di động Việt Nam đang có ARPU thấp và bị cạnh tranh mạnh từ dịch vụ OTT, vì vậy cần có luồng gió mới. Việc các nhà mạng di động ảo tham gia cung cấp dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí…
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mô hình mạng di động ảo là mô hình mới tại Việt Nam. Mô hình này có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên, đồng thời sẽ mang lại giá trị mới cho khách hàng.
Nếu xét về lợi thế, các mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng mà chỉ mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Như vậy, mạng di động ảo chỉ tập trung vào khâu kinh doanh để thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng và sẽ chọn một thị trường ngách nào đó mà mình có thế mạnh để nhắm đến, chứ không đánh rộng như các nhà mạng có hạ tầng.
Mạng di động ảo của Masan thay “tướng”Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh sẽ thay ông Trần Nam Trung đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc (CEO) Mobicast, đơn vị sở hữu mạng di động Wintel.