ChatGPT do OpenAI phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Điều đó đồng nghĩa nó được đào tạo bằng lượng dữ liệu ngôn ngữ khổng lồ, giúp người dùng đưa ra gợi ý (prompt) với các yêu cầu và câu hỏi để chatbot trả lời bằng ngôn ngữ mà loài người hiểu được.
Tốc độ phát triển thần tốc của trí tuệ nhân tạo (AI) làm dấy lên lo ngại từ các chuyên gia công nghệ. Họ cho rằng nếu không được kiểm soát, nó sẽ đe dọa đến xã hội. CEO Tesla Elon Musk gọi AI là “một trong những nguy cơ lớn nhất với tương lai của nền văn minh”.
Tại hội thảo Viva Tech vừa diễn ra, Jacques Attali – chuyên gia về xã hội và kinh tế của Pháp – đưa ra quan điểm: AI tốt hay xấu còn phụ thuộc vào cách sử dụng. Chẳng hạn, dùng AI để phát triển thêm nhiên liệu hóa thạch hay vũ khí nguy hiểm là điều khủng khiếp. Ngược lại, AI có tác dụng đối với y tế, giáo dục và văn hóa.
Cũng tại sự kiện, Yann LeCunn, Giám đốc AI tại Meta – công ty mẹ Facebook – đánh giá AI tạo sinh chưa thông minh vì chỉ được đào tạo bằng ngôn ngữ. Theo ông LeCunn, chúng vẫn còn nhiều hạn chế, không hiểu gì về thực tế cơ bản của cuộc sống thực. “Hầu hết kiến thức không liên quan đến ngôn ngữ… vì vậy AI chưa nắm bắt được một phần trải nghiệm của con người”, ông chia sẻ.
Ông cũng nói thêm rằng, hệ thống AI có thể vượt qua bài kiểm tra để thành luật sư tại Mỹ nhưng không thể xếp bát đĩa vào máy rửa bát, điều mà đứa trẻ 10 tuổi chỉ cần học trong 10 phút. Ông nhận xét ngay cả trí tuệ của loài chó, AI cũng chưa đạt được.
Việt Nam tiếp cận xu thế AI sớm, nhưng triển khai còn chậm
Nói về hạn chế của AI, ông dẫn thêm một ví dụ khác. Đó là một đứa trẻ 5 tháng tuổi chỉ nhìn vào một vật thể trôi nổi mà không suy nghĩ gì, nhưng một đứa trẻ 9 tháng tuổi nhìn vào sẽ thấy bất ngờ. Chúng ta vẫn “chưa biết cách tái tạo khả năng này cho máy móc”. Trước khi làm được điều đó, AI sẽ chưa thể thông minh như chó, mèo hay con người.
Robot có tiếp quản con người?
Chuyên gia Attali có cái nhìn bi quan về tương lai khi cho rằng con người sẽ đối diện nhiều nguy hiểm trong 3 hay 4 thập kỷ nữa. Thảm họa tự nhiên và chiến tranh là hai lo ngại hàng đầu của ông, ngoài ra “robot có thể chống lại chúng ta”.
Còn theo ông LeCunn, trong tương lai, sẽ có những cỗ máy thông minh hơn con người nhưng không nên xem nó như mối đe dọa mà là một lợi ích. Mỗi người sẽ có một trợ lý AI, giống như một người hỗ trợ cuộc sống hàng ngày, thông minh hơn chính họ.
Tuy nhiên, nhà khoa học lưu ý các hệ thống AI cần được tạo ra để có thể kiểm soát được và về cơ bản phụ thuộc vào con người. Ông cũng bác bỏ ý tưởng robot sẽ chiếm đoạt thế giới. “Không có liên hệ giữa thông minh và mong muốn chiếm đoạt”, ông nói.
Khi nhìn vào thuận lợi và nguy cơ của AI, chuyên gia Attali kết luận cần phải có “hàng rào” để việc phát triển công nghệ không bị chệch đường ray. Song, ông không dám chắc ai sẽ làm điều đó.
Quản lý AI là chủ đề “nóng” tại Viva Tech. Liên minh châu Âu đang đi tiên phong với dự thảo AI riêng, còn các quan chức hàng đầu Pháp muốn có một quy định toàn cầu về công nghệ này.
(Theo CNBC)
Công nghệ AI giúp Microsoft cán mốc vốn hoá kỷ lục 2,6 ngàn tỷ USDTâm lý lạc quan đối với thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) đẩy giá cổ phiếu Microsoft lên cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 15/6, đưa tổng vốn hoá thị trường của gã khổng lồ phần mềm đạt 2,59 ngàn tỷ USD.