Sự sụp đổ của Argo AI sau khi các nhà đầu tư lần lượt rút vốn đang dấy lên nhiều hoài nghi về triển vọng tương lai của xe tự lái.
Amazon đã nổi lên như một “vị cứu tinh” tiềm năng cho Argo AI - startup khởi nghiệp mảng công nghệ xe tự lái từng được hậu thuẫn bởi hai trong số các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Ford Motor và Volkswagen. Tuy nhiên, tình trạng sa sút của nền kinh tế đã khiến startup này phải giải thể, từ đó dấy lên nhiều hoài nghi về triển vọng tương lai của xe tự lái.
Trước đây, Amazon lên kế hoạch đầu tư vài trăm triệu USD vào Argo vào mùa xuân năm ngoái. Hãng bán lẻ dự định ứng dụng công nghệ tiên tiến này để tự động hóa một số xe tải điện giao hàng Rivian Automotive, sau đó thiết lập một đội xe thử nghiệm tại nhiều thành phố trên nước Mỹ.
Ford Motor và Volkswagen AG - hai nhà đầu tư chính của Argo AI lúc bấy giờ rất mong muốn có thêm đối tác thứ ba để san sẻ chi phí phát triển công nghệ. Giám đốc điều hành khi đó của VW, Herbert Diess, thậm chí đã tới Mỹ gặp nhà đồng sáng lập Amazon Jeff Bezos để thảo luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, mối quan hệ vừa “chớm nở” đã “sớm tàn” khi Ford và VW lo sợ Amazon chuyển hướng sự chú ý của Argo. Các công ty cũng gặp khó khăn trong việc đưa ra một cơ chế quản trị và san sẻ quyền kiểm soát chung đối với startup xe tự lái.
Amazon sau đó quyết định rút lui khỏi thương vụ do chi phí đầu tư quá cao. Không có Amazon, Argo AI không thể thu hút các nhà đầu tư và củng cố niềm tin từ giới chuyên gia, cuối cùng buộc lòng phải đóng cửa. Định giá startup này trước đây trong giai đoạn hưng phấn đã lên tới hơn 7 tỷ USD.
“Chúng tôi vô cùng biết ơn sự cống hiến của các thành viên trong Argo AI, đồng thời cũng rất tự hào về những thành tựu chúng tôi đạt được cùng nhau”, Salesky, đồng sáng lập Argo cho biết trong thông báo gửi qua email.
Sự rút lui của Amazon cùng cú sụp đổ đột ngột của Argo AI đã nhấn mạnh một thực tế, rằng thời hoàng kim của ô tô và xe tải sẽ tự lái sẽ sớm qua đi. Sự hoài nghi ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời điểm các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang đầu tư hàng tỷ USD chuyển đổi sang xe điện nhằm đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Được thành lập bởi Bryan Salesky, cựu kỹ sư dự án xe tự lái của Google, và Pete Rander, cựu lãnh đạo mảng taxi tự động của Uber Technologies, Argo được đánh giá cao về mặt kỹ thuật cũng như tiềm năng hậu thuẫn lớn. Ford ban đầu rót 1 tỷ USD vào startup này hồi năm 2017, sau đó đến VW với khoản đầu tư 2,6 tỷ USD năm 2020.
Tuy nhiên, Ford, tập đoàn đang chi 50 tỷ USD cho xe điện cho đến năm 2026, đã từ bỏ kế hoạch theo đuổi giấc mơ xe tự lái, thay vào đó tập trung vào công nghệ hiện tại như tính năng lái xe rảnh tay Blue Cruise.
“Vào năm 2017, khi Ford đầu tư vào Argo AI, công ty đã dự đoán có thể đưa công nghệ ADAS cấp độ 4 ra thị trường vào năm 2021. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi”, CEO Jim Farley của Ford cho biết. “Chúng tôi lạc quan về tương lai phát triển của công nghệ ADAS, nhưng còn lâu nó mới có thể giúp công ty kiếm lợi nhuận. Chúng tôi không nhất thiết phải tự mình tạo ra công nghệ đó”.
Ford sau đó kết luận rằng thành quả cho những đột phá cần thiết đối với taxi tự động và giao hàng không người lái sẽ chỉ đến sau hơn 5 năm nữa. Doug Field, Giám đốc công nghệ tiên tiến của Ford, cũng gọi xe tự lái là “vấn đề kỹ thuật khó nhất thời đại, thậm chí khó hơn cả việc đưa một người lên mặt trăng”.
Quay lại 1 năm trước đó, Ford và VW vẫn mường tượng ra tương lai cho Argo nếu nó có thể hút thêm dòng vốn đầu tư. Sự quan tâm của Amazon khi đó đã dấy lên hy vọng trong họ rằng Argo đã tìm được nhà hậu thuẫn lớn thứ ba.
Argo và Amazon lần đầu tiên bắt tay hợp tác thông qua một dự án thử nghiệm ở Miami vào năm 2019. Một đoàn xe thử nghiệm Ford Fusion hybrid trang bị hệ thống tự lái của Argo đã chạy từ một nhà kho Amazon đến điểm giao hàng chặng cuối. Tuy nhiên sau đó, không có bất kỳ kiện hàng nào được vận chuyển theo hình thức này.
Vào đầu năm nay, có rất nhiều sự lạc quan rằng Amazon sẽ thực hiện thỏa thuận với Argo. Lạc quan đến mức công ty xe tự lái này đã tuyển dụng thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu trang bị công nghệ mới cho các xe tải Rivian. Nhân sự toàn cầu của Argo khi đó lên tới hơn 2.000 người.
Đến mùa xuân, Ford và VW vẫn không thể đồng thuận với các điều khoản chia sẻ Argo. VW lo sợ rằng Amazon - với danh tiếng thống trị các mối quan hệ đối tác - sẽ thu hút nhân tài và nguồn lực ra khỏi chiến lược xe tự lái đầy tham vọng của nhà sản xuất ô tô Đức.
Vào khoảng thời gian đó, căng thẳng chính trị Nga-Ukraine tiếp tục gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, song song với nhiều vấn đề xoay quanh chuỗi cung ứng và lạm phát cao nhất trong 40 năm tại Mỹ. Việc chi hàng tỷ USD cho một công nghệ chưa được chứng minh có vẻ không phải là một màn cá cược tốt.
Các nhân vật chủ chốt tham gia vào thương vụ bắt đầu rời đi, trong đó có Giám đốc điều hành mảng mua bán và sáp nhập tại Amazon và Dave Clark, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng.
Các cuộc đàm phán mất đà. Giám đốc điều hành của VW, Diess, sau đó bị hội đồng quản trị lật đổ trong bối cảnh lo ngại về hướng đi của công ty ngày càng gia tăng. Chỉ ba tháng trước đó, Diess vẫn còn đăng tải trên Twitter bức ảnh mình đang trò chuyện với Jeff Bezos về những chiếc xe điện của riêng VW.
Sau khi thỏa thuận với Amazon sụp đổ, Argo sa thải 150 nhân viên chiêu mộ trước đó. Nền kinh tế đang chuyển dịch cũng đã gây thiệt hại cho Amazon - công ty đang lên kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên của riêng mình.
Thay vì xem xét việc mua lại khoản đầu tư của Ford và tiếp quản hoàn toàn Argo,
VW cũng lại đầu tư 2,3 tỷ USD thành lập một liên doanh xe tự hành với Horizon Robotics Inc của Trung Quốc. Điều này khiến Argo cuối cùng không còn nơi nào để quay đầu.
“Có vẻ như hiện giờ cuộc đua chỉ còn hai ngựa gồm Waymo và Cruise”, Grayson Brulte tại công ty Brulte & Co chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về công nghệ tự hành cho biết.
Theo: Bloomberg, Forbes
Lấy link