Mặc dù đã không còn xuất hiện tại thị trường Việt Nam với các sản phẩm smartphone, Huawei vẫn gây được tiếng vang với các thiết bị công nghệ khác như màn hình MateView, laptop MateBook, loa Sound Joy và tai nghe như cặp Freebuds Pro 2 chúng ta có ngày hôm nay. Đây là phiên bản nâng cấp đã được mọi người chờ đợi bấy lâu của cặp Freebuds Pro đến nay cũng đã gần 2 năm tuổi.
Vẻ ngoài liền lạc và lấp lánh hơn
Là một người đã được trải nghiệm Freebuds Pro phiên bản trước, cầm Freebuds Pro 2 tôi có cảm giác "quen mà lạ, lạ mà quen". Nhìn về tổng thể cặp tai nghe này vẫn giữ kiểu dáng chung từ hộp sạc cho tới tai nghe, nhưng mỗi thành phần đều có một sự thay đổi nho nhỏ.
Hộp sạc vẫn có hình "con nhộng" với cách mở nắp theo chiều ngang, với phần bản lề được làm bằng kim loại sáng bóng. Nếu như năm ngoái ở đây chỉ in logo của hãng thì năm nay có thêm Devialet - một hãng âm thanh từ Pháp đã hỗ trợ Huawei trong việc phát triển cặp tai nghe này.
Cổng sạc USB Type-C được đặt ở cạnh dưới cùng một đèn để thông báo tình trạng sạc. Theo như công bố của hãng thì thời lượng pin của Freebuds Pro 2 là 6.5 tiếng liên tục và 30 tiếng khi kết hợp hộp sạc nhưng sẽ giảm đi nhiều khi bật chống ồn chủ động, cụ thể là 4 và 18 tiếng.
Cũng như những cặp tai nghe không dây thế hệ mới khác, Freebuds Pro 2 trang bị chuẩn sạc không dây Qi để nhận năng lượng từ smartphone trong những lúc cần kíp.
Mở nắp hộp sạc, thứ đầu tiên gây ấn tượng với tôi là chất liệu của tai nghe. Freebuds Pro 2 hoàn thiện bằng nhựa bóng toàn thân, nếu như chọn phiên bản Xanh tím như tôi có ở đây thì tai nghe nhìn giống một viên ngọc trai, rất bóng bẩy. Với những ai thích sự đơn giản hơn thì có thể lựa chọn màu Trắng sứ hoặc Xám bạc.
Thiết kế bóng bẩy nhìn ấn tượng, nhưng cũng đem theo một vài nhược điểm nhỏ trong quá trình sử dụng thực tế. Đầu tiên, tai nghe sẽ khó lấy ra từ hộp sạc vì có ít điểm tựa, lại hơi trơn hơn 1 chút so với những sản phẩm khác. Bên cạnh đó nhựa bóng cũng dễ dính dấu vân tay nên để Freebuds Pro 2 luôn "bóng loáng" thì ta sẽ cần để ý lau chùi thường xuyên.
Nhìn về thiết kế của phần đeo tai, thế hệ thứ 2 vẫn giữ kiểu dáng là tai nghe "có đuôi" như phiên bản cũ, nhưng phần đuôi đã được thiết kế để trở nên liền lạc hơn so với phiên bản cũ. Nhìn lại ảnh của Freebuds Pro, bạn có thể thấy rằng phần đuôi và thân tai nghe dường như là 2 phần riêng biệt, trong khi đó Freebuds Pro 2 nhìn giống như được đúc từ 1 khối.
Tai nghe được làm nhỏ nhắn và không thừa ra khỏi tai nhiều, nên cho cảm giác đeo khá thoải mái. Ta chỉ cần chọn đúng loại đệm cao su thì có thể sử dụng tai trong thời gian dài mà không có cảm giác bị cấn, nặng tai.
Giống với thế hệ trước, Freebuds Pro 2 có cách điều khiển là "bóp" phần đuôi của tai nghe thay vì là 1 mặt cảm ứng như những cặp tai nghe khác. Cách điều khiển này đã có sư học tập sản phẩm AirPods của Apple, mỗi khi bóp vào cũng sẽ có một tiếng động nhỏ trong tai để tạo cảm giác vật lý hơn.
Ta sẽ bóp tai nghe 1 lần để chơi hoặc dừng nhạc, 2 và 3 lần để chuyển bài, bóp và giữ để bật tắt ANC, sử dụng nghe môi trường (Awareness) và trượt lên xuống để chỉnh âm lượng. Đây là hệ thống thao tác đầy đủ và cũng trực quan, tốn chỉ một vài giờ là có thể thao tác thành thục.
Tai nghe được trang bị khả năng kháng bụi và nước IP54, chưa phải là cao nhất hiện nay khi cũng đã có các sản phẩm với chuẩn IPX7 hoặc IP57. Freebuds Pro 2 sẽ có thể thoải mái sử dụng để tập thể thao, tập gym, nếu có bị rơi xuống đất cũng sẽ không hỏng nhưng tuyệt đối không được nhúng xuống nước.
Tính năng đầy đủ, chống ồn ANC hoạt động hiệu quả
Là một cặp tai nghe của hãng công nghệ có tên tuổi, Freebuds Pro 2 được trang bị khá đầy đủ những tính năng phụ trợ thông qua ứng dụng trên smartphone là AI Life. Tại đây ta có thể theo dõi thời lượng pin của tai, chuyển nhanh giữa các thiết bị đã kết nối, chuyển chế độ chống ồn, chỉnh âm thanh bằng EQ với chế độ mặc định được Devialet cung cấp, bật tắt tính năng tự động ngắt nhạc khi lấy ra khỏi tai, kiểm tra độ fit của tai, bật giảm độ trễ (để chơi game), đi tìm tai nghe và nâng cấp phần mềm.
Một tính năng mà AirPods Pro và mới đây là cặp Samsung Galaxy Buds2 Pro được trang bị như Huawei Freebuds Pro 2 không có là 360 Audio hay Spatial Audio, cho phép giả lập âm thanh 3D hay phát âm thanh theo hướng smartphone.
Điểm mạnh trong bộ tính năng của Freebuds Pro 2 đó là khả năng chống ồn của cặp tai nghe này. Freebuds Pro 2 sử dụng trên thực tế cho hiệu quả chặn tiếng ồn mạnh mẽ, làm dịu cả những âm thanh lớn nhất như còi xe, tàu hỏa. Trong một bài thử nhanh giữa các cặp tai nghe chống ồn của các hãng lớn, Freebuds Pro 2 chỉ kém hơn Sony WF-1000XM4 đôi chút và vượt qua AirPods Pro, Galaxy Buds2 Pro - một kết quả ấn tượng.
Tai nghe cũng cho phép điều chỉnh cường độ chống ồn theo nhiều nấc và cả tự động chỉnh tùy theo độ ồn ở bên ngoài. Ở những nơi yên tĩnh như văn phòng hoặc nhà riêng thì tôi chỉ cần để mức nhẹ nhàng (Cozy) để chặn tiếng gõ phím, quạt gió thôi là đủ, còn khi tới những nơi ồn ào thì có thể đặt ở mức tiêu chuẩn (General) hoặc mạnh nhất (Ultra).
Sử dụng màng từ phẳng và tinh chỉnh bởi Devialet, âm thanh hay đến đâu?
Điều làm tôi cảm thấy rất vui đó là trong thời gian gần đây, ngoài việc nâng cấp thiết kế và những tính năng phụ trợ thì các hãng công nghệ cũng đang dần tìm cách để cải thiện chất lượng âm thanh của các cặp True Wireless của mình. Đó có thể là sử dụng phương thức truyền âm thanh không dây tốt hơn hay sử dụng các loại màng loa "mượn" từ tai nghe có dây cao cấp.
Với Freebuds Pro 2, ta có Bluetooth 5.2 với CODEC LDAC và đạt chuẩn Hi-res Audio Wireless, tái tạo âm thanh được đảm nhiệm bởi một màng Dynamic 11mm 4 nam châm với khả năng tái tạo được tần số thấp 14Hz và màng từ phẳng tạo được tần số cao 48.000kHz. Để so sánh thì đa phần tai nghe sẽ có dải tần trải dài từ 20Hz - 20.000Hz.
Có những cặp tai nghe có nhiều công nghệ âm thanh "làm đẹp bảng thông số" nhưng chất âm lại dở tệ, nhưng Freebuds Pro 2 là trường hợp ngược lại khi những gì hãng áp dụng vào cặp tai nghe này đã có tác dụng trên thực tế. Khả năng tái tạo được dải trầm sâu và dải cao sáng đều được Freebuds Pro 2 thể hiện mỗi khi có bài nhạc xuất hiện các dải âm này. Tuy vậy tổng thể âm thanh của tai nghe không bị "lệch" về 2 dải âm để trở nên V-shape vì tai nghe không đẩy âm lượng của chúng lên quá cao, chỉ vừa đủ để nghe rõ mà thôi.
Bên cạnh có chất âm khá cân bằng để chơi được nhiều loại nhạc thì ưu điểm của Freebuds Pro 2 nằm ở việc có khả năng tách các thành phần âm thanh trong bài nhạc. Bài của nhóm Starkid có khá nhiều thành phần bao gồm trống, cymbal, các ca sĩ hát đè lên nhau nhưng tai nghe vẫn giúp từng thành phần nghe rõ ràng, không có cảm giác bị chồng chéo.
Rất khó để chê được chất âm của Freebuds Pro 2 vì đây là kiểu âm có thể phối ghép với nhiều thể loại nhạc khác nhau và đem sự chi tiết, rõ ràng cho những bài mà nó chơi. Thứ duy nhất mà hãng có thể làm tốt hợp là độ rộng của âm trường, vì hiện tại đa phần âm thanh vẫn được chơi ở giữa đầu người nghe, chưa thoát được nhiều ra ngoài.
Không kém cạnh bất cứ ai
Bên cạnh một vài yếu điểm trong thiết kế bên ngoài, khả năng kháng nước không cao thì Freebuds Pro 2 phải nói là vượt kỳ vọng của tôi trong tất cả những khía cạnh khác, từ chất lượng âm thanh, độ hiệu quả chống ồn cho tới khả năng tùy biến linh hoạt các tính năng khác thông qua ứng dụng.
Cặp tai nghe này cho thấy Huawei đã có sự đầu tư nghiêm túc vào mảng âm thanh, không chỉ hoàn thiện được sản phẩm thế hệ trước mà còn cạnh tranh rất sòng phẳng, thậm chí vượt mặt sản phẩm từ các hãng lớn khác của 2022.
Tất nhiên, Huawei vẫn đang gặp bất lợi so với Sony, Apple và Samsung về mặt thương hiệu, khi hãng này đã không còn chỗ đứng cao tại thị trường Việt Nam sau khi ngừng bán smartphone. Nhưng với những ai chỉ quan tâm đến sản phẩm chứ không phải "mua vì thương hiệu" thì Freebuds Pro 2 vẫn rất đáng để cân nhắc khi đặt ngang hàng với AirPods Pro, WF-1000XM4 và Galaxy Buds2 Pro.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm về sản phẩm tại . Đặc biệt đặt trước ngày 11/9 sẽ nhận ưu đãi giảm giá trực tiếp 500.000đ kèm một cặp Huawei FreeLace trị giá 1.39 triệu.
Lấy link