Một nhóm nhà khoa học Australia và Mỹ hôm 16/8 thông báo dự án trị giá hàng triệu USD nhằm hồi sinh thylacine hay còn gọi là hổ Tasmania, loài thú có túi đã tuyệt chủng vào thập niên 1930 và tái giới thiệu chúng ở vùng Tasmania. Đây là dự án thứ hai của Colossal, công ty công nghệ sinh học ở Texas sau kế hoạch sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene để tái tạo voi ma mút lông xoăn và đưa chúng trở lại vùng lãnh nguyên Bắc Cực vào năm ngoái.
Dự án mới của Colossal là kết quả hợp tác với Đại học Melbourne. Đầu năm nay, Đại học Melbourne nhận được khoản quyên tặng 5 triệu USD để mở phòng thí nghiệm phục hồi gene hổ Tasmania. Trước đó, đội ngũ nghiên cứu của phòng thí nghiệm đã giải trình tự hệ gene của một mẫu vật hổ Tasmania chưa trưởng thành do Bảo tàng Victoria lưu giữ, theo trưởng nhóm là tiến sĩ Andrew Pask.
Hổ Tasmania là động vật ăn thịt đầu bảng có túi duy nhất ở Australia. Chúng từng sinh sống trên khắp châu lục nhưng bị giới hạn ở Tasmania khoảng 3.000 năm trước. Với hình dáng giống chó và sọc vằn trên lưng, chúng từng bị người châu Âu săn bắt trên diện rộng. Cá thể cuối cùng còn sống sót chết trong môi trường nuôi nhốt vào năm 1936. Hổ Tasmania chính thức được công bố tuyệt chủng vào thập niên 1980.
Các nhà khoa học hướng tới đảo ngược quá trình bằng cách lấy tế bào gốc từ một loài còn sống có ADN tương tự là chuột túi dunnart và biến đổi thành tế bào hổ Tasmania bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene do George Church, giáo sư di truyền học ở Trường Y Harvard kiêm nhà đồng sáng lập Colossal, phát triển. Họ sẽ cần kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên dành cho thú có túi để tạo ra phôi thai từ tế bào gốc, sau đó cấy vào tử cung nhân tạo hoặc chuột dunnart mang thai hộ.
Theo Pask, dự án hợp tác trên là đóng góp quan trọng nhất đối với công tác bảo tồn thú có túi ở Australia. Hơn 30 nhà khoa học cùng làm việc để vượt qua thách thức khổng lồ nhằm đưa hổ Tasmania trở về từ cõi chết. Pask tin tưởng những con non đầu tiên có thể chào đời trong vòng 10 năm nữa. Tuy nhiên, Ben Lamm, giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập còn lại của Colossal, tỏ ra lạc quan hơn khi đưa ra mốc thời gian chưa đến 6 năm.
Về công nghệ sinh sản, Pask cho biết ông và cộng sự đang theo đuổi mục tiêu nuôi thú có túi từ lúc thụ thai tới khi chào đời trong ống nghiệm không qua vật mang thai hộ. Điều này có thể khả thi do thai kỳ ngắn và kích thước nhỏ của thú có túi.
Nếu thành công, dự án sẽ giới thiệu hổ Tasmania trong môi trường kiểm soát ở vùng đất tư nhân tại Tasmania, cuối cùng đưa chúng trở lại tự nhiên. Nhóm nghiên cứu cho rằng hồi sinh động vật săn mồi hàng đầu có thể cân bằng lại hệ sinh thái của bang. Họ cũng hy vọng dự án sẽ có tác động sâu rộng hơn giúp giải quyết khủng hoảng tuyệt chủng. Pask và cộng sự của ông kỳ vọng có thể xử lý lo ngại về sức khỏe của loài vật thông qua giải trình tự hệ gene của 80 - 100 cá thể.
An Khang (Theo Guardian)
- Phục chế màu thước phim về hổ Tasmania tuyệt chủng