Kền kền Thổ Nhĩ Kỳ (Cathartes aura) sống khu vực từ miền nam Canada tới cực nam Nam Mỹ, chuyên ăn xác động vật. Loài chim ăn xác thối này có một chiến thuật độc đáo nhằm ngăn chặn động vật săn mồi, đó là phun axit dạ dày và thịt tiêu hóa dở vào kẻ tấn công, theo Live Science.
Kền kền Thổ Nhĩ Kỳ sống trong môi trường sống đa dạng, bao gồm rừng cận nhiệt đới, vùng cây bụi thấp và sa mạc. Chúng có chiếc đầu trụi lủi để khi ăn xác thối, máu và ruột không dính vào lông. Giống như nhiều loài kền kền khác, chúng ăn xác động vật đã chết thay vì tự giết con mồi.
Dù có kích thước lớn với sải cánh lên tới 1,7 m, kền kền Thổ Nhĩ Kỳ cũng là mồi săn của nhiều loài chim khác, bao gồm đại bàng, cú và chim ưng. Khi bị đe dọa hoặc sợ hãi, chúng phun hợp chất axit mùi chua có thể làm bỏng mắt và da động vật săn mồi. Axit dạ dày của chúng mạnh không kém axit pin và mạnh gấp 100 lần axit trong dạ dày con người, giúp loài chim này trung hòa chất độc khi ăn thịt phân hủy như bệnh than và bệnh ngộ độc thịt.
Kền kền Thổ Nhĩ Kỳ tìm thức ăn bằng thị giác và khứu giác nhạy bén. Chúng bay thấp để có thể phát hiện khí gas giải phóng trong giai đoạn đầu phân hủy ở động vật chết. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Ecosystem Services năm 2022, kền kền ngăn hàng chục triệu tấn khí chứa carbon thải ra mỗi năm thông qua ăn xác động vật trước khi chúng phân hủy và giải phóng khí nhà kính. Không giống những loài chim khác, chúng đẻ trứng trên đất và che giấu dưới cây cỏ, trong hang động hoặc thân cây rỗng. Dù là loài chim có tính xã hội và sống theo bầy đàn, chúng không có ống minh quản, cơ quan dùng để phát ra tiếng hót của chim.
An Khang (Theo Live Science)