Trước các lệnh trừng phạt liên quan đến giao tranh ở Ukraine, Nga đang muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào phương Tây và tự mình vươn lên, hoặc hợp tác với các nước ở khu vực khác như Trung Quốc và Iran.
Trong một tuyên bố vào tháng trước, CEO Roscosmos Yuri Borisov cho biết Nga sẽ rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024 để tập trung phát triển cơ sở nghiên cứu riêng trên quỹ đạo.
Hôm 15/8, Cơ quan Vũ trụ Nga một lần nữa cho thấy sự nghiêm túc trong quyết định của mình khi công bố mô hình trạm vũ trụ mới, được truyền thông Nga gọi là ROSS, tại cuộc triển lãm quân sự và công nghiệp Army-2022 diễn ra bên ngoài thủ đô Moskva.
Roskosmos cho biết ROSS sẽ được phóng theo hai giai đoạn nhưng không đưa ra ngày tháng cụ thể. Giai đoạn đầu tiên sẽ bao gồm việc phóng 4 module và bắt đầu vận hành trạm. Hai module khác và một nền tảng dịch vụ sẽ được bổ sung trong giai đoạn hai.
Khi hoàn thành, ROSS có thể chứa tối đa 4 phi hành gia cùng các thiết bị khoa học. Trạm sẽ cung cấp một tầm nhìn rộng hơn nhiều để giám sát Trái Đất so với phân đoạn quỹ đạo hiện tại của họ trên ISS.
Truyền thông Nga cho rằng, giai đoạn đầu tiên sẽ được khởi động vào năm 2025 hoặc 2026 và không muộn hơn năm 2030. Giai đoạn thứ hai sẽ được lên kế hoạch cho năm 2030 - 2035.
Trong khi ISS luôn có các phi hành gia sinh sống và làm việc kể từ khi đưa vào hoạt động vào năm 1998, ROSS dự kiến không có sự hiện diện thường xuyên của con người nhưng sẽ được biên chế hai lần một năm trong thời gian dài.
Dmitry Rogozin, người đứng đầu Roskosmos trước đây, nổi tiếng với đường lối cứng rắn chống lại phương Tây, đã đề xuất rằng trạm vũ trụ mới của Nga có thể thực hiện mục đích quân sự nếu cần thiết.
Đoàn Dương (Theo Reuters)
- Vì sao Nga muốn rời Trạm Vũ trụ Quốc tế?
- Công ty Mỹ chọn đối tác thay thế động cơ tên lửa Nga