Nằm cách Vòng Bắc Cực khoảng 250 km về phía nam, thị trấn xa xôi Nome của Alaska là nơi sinh sống của khoảng 1.000 người. Vài tháng trước mùa đông năm 1924-1925, Curtis Welch, bác sĩ duy nhất ở Nome, đặt thêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu vì ông phát hiện lô huyết thanh tại bệnh viện đã hết hạn. Nhưng không may, chuyến hàng không kịp đến nơi trước khi bến cảng đóng cửa vào mùa đông.
Vài ngày sau khi con tàu cuối cùng rời cảng, bác sĩ Welch tiếp nhận một số trẻ em bị ốm để điều trị. Ban đầu, ông cho rằng chúng bị viêm amidan. Vài tuần tiếp theo, các ca bệnh ngày càng nhiều và 4 trẻ em đã chết. Welch bắt đầu lo ngại về khả năng xuất hiện bạch hầu, theo U.S. National Park Service.
Giữa tháng 1, Welch đưa ra chẩn đoán chính thức đầu tiên về bệnh bạch hầu ở một cậu bé ba tuổi. Cậu bé chết hai tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Ngày hôm sau, một bé gái 7 tuổi cũng tử vong. Nhận thấy một đợt dịch sắp xảy ra, Welch đã gọi cho thị trưởng George Maynard để sắp xếp một cuộc họp khẩn cấp.
Thị trấn lập tức tiến hành cách ly. Dù vậy, vẫn có hơn 20 người được xác nhận mắc bạch hầu và ít nhất 50 trường hợp khác có nguy cơ mắc bệnh đến cuối tháng. Nếu không có huyết thanh kháng độc tố, tỷ lệ tử vong có thể lên tới gần 100%.
Nguồn cung cấp huyết thanh gần nhất nằm ở thành phố Anchorage, cách Nome khoảng 1.600 km. Việc tới Nome là một thách thức lớn kể cả khi thời tiết thuận lợi. Vào mùa đông, việc này thậm chí gần như bất khả thi. Bến cảng bị đóng băng. Máy bay thương mại mới bắt đầu trở nên thịnh hành, nhưng các máy bay trong vùng có buồng lái hở nên không thể bay trong điều kiện nhiệt độ thấp và gió mạnh. Tuyến đường sắt Alaska cũng không tới gần Nome. Ga tàu gần nhất là ở thành phố Nenana, xa như khoảng cách giữa thành phố New York với Indianapolis.
Cuối cùng, thị trấn quyết định sử dụng các đội chó kéo xe để vận chuyển huyết thanh qua vùng đất nguy hiểm. Khoảng 150 con chó kéo xe và 20 người điều khiển được chọn tham gia hành trình lịch sử.
Togo - "thủ lĩnh" ưu tú của đội chó kéo xe
Trong số những con chó kéo xe, Togo là một cái tên đáng chú ý. Được đặt tên theo vị tướng Nhật Bản Heihachiro Togo, đây là con chó kéo xe đầu đàn của người điều khiển Leonhard Seppala. Togo là chó Husky Siberia, có lông màu nâu sẫm với các mảng màu kem, đen và xám. Nó có đôi mắt xanh lam và nặng khoảng 22 kg, theo American Kennel Club.
Khi còn là chó con, Togo mắc một chứng rối loạn ở cổ họng gây đau đớn. Seppala cho rằng con chó với cơ thể gầy nhỏ dưới chuẩn này sẽ không phù hợp cho công việc. Seppala trao nó cho một người hàng xóm nuôi dưỡng. Tuy nhiên, Togo không muốn chia xa Seppala và các đồng loại của mình. Nó nhảy qua cửa sổ và trốn về nhà.
Khi lớn hơn, Togo bị những chú chó kéo xe xung quanh thu hút. Vẫn còn quá non để đeo dây đai, nó thường chạy tự do theo các đội chó mà Seppala huấn luyện, khiến ông rất phiền lòng. Cuối cùng, Seppala quyết định đeo dây đai cho Togo mới 8 tháng tuổi và cho nó vào đội. Hôm đó, Togo đã chạy 120 km, kỷ lục đối với chó kéo xe non nớt chưa có kinh nghiệm, và nỗ lực vươn lên dẫn đầu ngay trong lần đầu tiên đeo dây đai. Một cách bất ngờ, Seppala đã tìm thấy con chó đầu đàn hoàn hảo mà ông luôn mong đợi.
Qua nhiều năm, Togo trở thành chó đầu đàn ưu tú của Seppala và nổi tiếng khắp Alaska nhờ sự bền bỉ, sức mạnh và trí thông minh. Vào thời điểm dịch bạch hầu bùng phát ở Nome năm 1925, Togo 12 tuổi còn Seppala 47 tuổi, dường như cả hai đều đã qua thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, với số phận bấp bênh của Nome, người dân địa phương biết rằng bộ đôi giàu kinh nghiệm này vẫn là niềm hy vọng lớn.
Hành trình mang huyết thanh đến cứu Nome
Khi số người chết vì bạch hầu tăng lên, các nhà chức trách quyết định hành động. 300.000 đơn vị huyết thanh được vận chuyển đến Nenana bằng đường sắt. Sau đó, đoàn chó kéo xe tiếp sức gồm nhiều đội sẽ tiếp tục vận chuyển số huyết thanh này vượt qua chặng đường khoảng 1.085 km đến Nome.
Cuối tháng 1/1925, Seppala lên đường cùng những con chó kéo xe giỏi nhất của mình với sự dẫn dắt đáng tin cậy của Togo. Dưới trời -35 độ C, Seppala phải dựa vào bản năng của Togo những lúc không thể thấy đường đi phía trước do gió tuyết. Vượt qua khó khăn, Seppala gặp gỡ và tiếp nhận huyết thanh từ đội của người điều khiển Henry Ivanoff.
Khi băng qua Sound, đội của Seppala mắc kẹt trên một tảng băng trôi. Seppala buộc một sợi dây cho Togo, niềm hy vọng duy nhất của mình, và ném con chó xuống nước. Togo cố gắng kéo tảng băng nhưng sợi dây bị đứt. Đáng kinh ngạc, Togo tóm lại được sợi dây dưới nước, quấn dây quanh vai như một chiếc đai và kéo cả đội đến vị trí an toàn.
Seppala giao lại huyết thanh cho đội khác ở Golovin, cách Nome 125 km. Ngày 3/2/1925, đội vận chuyển của người điều khiển Gunnar Kaasen và chó đầu đàn Balto tới Nome, hoàn thành chuyến xe lịch sử. Thị trấn đã được cứu.
Dù Balto trở nên nổi tiếng nhờ hoàn thành chặng cuối dài hơn 80 km, Togo mới là "anh hùng" khi vận chuyển huyết thanh khoảng 150 km, vượt qua chặng dài nhất và nguy hiểm nhất trong hành trình tiếp sức. Tổng quãng đường 1.085 km được đoàn chó kéo xe hoàn thành chỉ trong 5 ngày rưỡi, lập kỷ lục thế giới vào thời điểm đó.
Togo nghỉ hưu ở Maine, Mỹ, và chết khi 16 tuổi. "Tôi chưa bao giờ có được con chó nào tốt hơn Togo. Sự bền bỉ, lòng trung thành và trí thông minh của nó đều là bậc nhất. Togo là con chó tốt nhất từng chạy trên đường mòn Alaska", Seppala chia sẻ năm 1960.
Thu Thảo
- Những con chó nổi tiếng nhất lịch sử khoa học
- Phi hành gia chó Laika và chuyến bay 'một đi không trở lại'