Các nhà thiên văn lập bản đồ 3D quy mô nhất từng ghi nhận về một triệu thiên hà xa xôi bị che khuất bởi Cụm Đám mây Magellan - nhóm thiên hà hàng xóm của dải Ngân Hà, Space hôm 29/7 đưa tin.
Cụm Đám mây Magellan là các thiên hà lùn có hình dạng bất thường có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời Nam Bán Cầu. Tuy nhiên, độ sáng cùng quy mô lớn của chúng đã chặn tầm nhìn của các nhà khoa học về những thiên hà xa xôi hơn. Vì vậy, khi quan sát hàng tỷ thiên hà trong vũ trụ, họ thường tránh vùng trời này.
Jessica Craig, nhà thiên văn tại Đại học Keele (Anh), cùng đồng nghiệp giải quyết vấn đề trên bằng cách chụp ảnh Cụm Đám mây Magellan ở độ nét cao đến mức có thể nhìn xuyên qua khoảng trống giữa các ngôi sao trong thiên hà. Để làm được như vậy, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Kính viễn vọng Khảo sát Hồng ngoại và Khả kiến cho Thiên văn (VISTA) tại Đài quan sát Paranal, Chile.
Những thiên hà ẩn xa xôi đặc biệt khó quan sát vì chúng trở nên mờ và đỏ hơn do bụi trong Cụm Đám mây Magellan. Để xử lý hiệu ứng này, nhóm nghiên cứu sử dụng kính viễn vọng vô tuyến GASKAP với khả năng nhìn xuyên qua lớp bụi giữa Trái Đất và các thiên hà xa xôi.
Do số lượng nguồn sáng quá lớn trong những bức ảnh của Cụm Đám mây Magellan, mắt người không thể phân biệt thiên hà ở xa với vật thể gần. Tuy nhiên, do các ngôi sao thay đổi vị trí còn thiên hà xa xôi vẫn ở nguyên tại chỗ, nhóm nghiên cứu có thể sử dụng dữ liệu từ đài quan sát Gaia để phân loại chính xác từng nguồn sáng. Sau đó, họ tiếp tục sử dụng một kỹ thuật khác dựa trên bước sóng ánh sáng để phân biệt chắc chắn hơn các thiên hà ở xa với những ngôi sao gần.
Cuối cùng, nhóm nhà thiên văn áp dụng học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để sắp xếp các thiên hà và tạo ra bản đồ 3D của khoảng một triệu thiên hà ẩn. Craig trình bày những phát hiện mới tại Hội nghị Thiên văn Quốc gia diễn ra ở Đại học Warwick (Anh) giữa tháng 7.
Thu Thảo (Theo Space)
- Công bố bản đồ 1,8 tỷ ngôi sao trong dải Ngân Hà