Đề xuất được GS Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng, ĐHQG Hà Nội nêu trong hội thảo "Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với ĐHQG Hà Nội tổ chức tổ chức chiều 28/7.
Chia sẻ với VnExpress ông giải thích hướng đầu tư mạo hiểm xuất phát từ việc tạo ra sản phẩm mới trên nền công nghệ mới chưa từng có. Ở đó hỗ trợ các doanh nghiệp chấp nhận rủi ro, bao gồm việc đo sự thành công chế tạo sản phẩm, người tiêu dùng có chấp nhận hay rủi ro trong quá trình sử dụng.
Theo GS Nhuận, phát triển doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ mới, càng đột phá bao nhiêu độ rủi ro càng cao bấy nhiêu. Thông thường, doanh nghiệp thường chọn đầu tư hiệu quả và an toàn, rủi ro thấp nhất, điều đó đồng nghĩa với việc mức đột phá thấp nhất nên hiệu quả lâu dài không cao, khó ra đời những sản phẩm mới mang tính chất đột phá.
"Do đó tính đến độ rủi ro để có thể hỗ trợ các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro đó, gọi là đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm", ông nói.
Ông cho rằng, mỗi phát minh công nghệ, ý tưởng khoa học để đưa vào cuộc sống đều có giai đoạn thử nghiệm, quá trình sản xuất. Việc hỗ trợ đầu tư mạo hiểm sẽ giúp doanh nghiệp có "chỗ dựa" để tự tin tạo ra sản phẩm hiệu quả hơn. Ở đó, ba tiêu chí đánh giá tính hiệu quả sẽ gồm vào những phát minh khoa học công nghệ ứng dụng đưa vào cuộc sống, đầu tư vấn đề mới và hiệu quả mặt xã hội thúc đẩy nhà sáng tạo công nghệ mới, có chỗ dựa để thúc đẩy nhanh hơn.
Ông lấy ví dụ, những người mở đường đưa công nghệ chuỗi khối (blockchain) cách đây vài chục năm từng rất khó khăn nhưng giờ đây có thể thấy công nghệ đã thành phổ biến. Hay việc tạo thành công ăc-quy từng thử sai tới 40.000 lần, điều đó cho thấy để ra được công nghệ mang tính mở đường đột phá là cũng phải có đầu tư mạo hiểm. Từ đó ông nhận định, công nghệ mang tính đột phá, mở đường ban đầu có thể người dùng chưa chấp nhận, và cần đầu tư chứng minh sản phẩm hiệu quả.
Theo đó ông cho rằng, các chính sách hỗ trợ sẽ mở đường phát triển trên nền công nghệ mới và xã hội sẽ có sản phẩm trên nền công nghệ mới, đó sẽ là hướng mà Việt Nam muốn đi nhanh. "Đầu tư rủi ro sẽ dẫn đường cho Việt Nam vươn lên trở thành nước sáng tạo công nghệ mới trên thế giới, chứ không phải bắt chước công nghệ đã có", ông nói và cho biết thêm cần có "bà đỡ" về mặt chính sách là số một. Tiếp đó cần có hỗ trợ về cơ chế tài chính, phải chấp nhận đầu tư sai, không hiệu quả và bảo vệ cho những người dám làm đầu tư rủi ro, được quyền sai thậm chí tổn thất. "Những sản phẩm một bước ăn ngay, chắc chắn sẽ không phải là thứ đột phá, điều đột phá phải là điều chưa từng có", ông nói.
Trước đề xuất và gợi ý của các nhà khoa học, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ trường cho rằng cần thiết có cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. V
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Bên cạnh đó ban hành nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong trích lập, sử dụng quỹ tại doanh nghiệp để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo cũng đề xuất, góp ý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách và triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới.
Ở góc độ ĐH Quốc gia, ông Lê Quân, Giám đốc cho biết hiện trường đại học đã triển khai một số chính sách như ưu tiên đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển sản phẩm ứng dụng trọng điểm, phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh. "Đến nay đã có khoảng 175 sản phẩm khoa học công nghệ tiềm năng có khả năng chuyển giao và thương mại hóa", ông Quân nói.
Như Quỳnh