Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bath, Đại học Portsmouth ở Anh và Đại học Hassan II ở Morocco, tìm thấy hóa thạch của những con thằn lằn đầu rắn nhỏ, loài bò sát cổ dài đã tuyệt chủng, ở hệ thống sông cổ đại. Hóa thạch được phát hiện trên sa mạc Sahara thuộc Morocco, nơi từng là một vùng nước ngọt cách đây 100 triệu năm, theo nghiên cứu công bố hôm 21/7 trên tạp chí Cretaceous Research.
Phát hiện cho thấy thằn lằn đầu rắn có thể cư trú ở môi trường nước ngọt. Hóa thạch bao gồm xương và răng từ thằn lằn đầu rắn trưởng thành dài 2,7 m và xương của con non dài 1,5 m. Quái vật hồ Loch Ness, biệt danh là Nessie, là sinh vật trong truyền thuyết ở Scotland. Sinh vật này được cho là sống ở hồ Loch Ness tại vùng Highlands. Theo truyền thuyết, nó có chiếc cổ dài và sống dưới tầng nước sâu.
Hóa thạch thằn lằn đầu rắn được phát hiện lần đầu tiên năm 1823. Hình dáng của chúng với 4 chân chèo dài, chiếc cổ thuôn dài và phần đầu nhỏ đã truyền cảm hứng cho truyền thuyết về Nessie. Tuy nhiên, trước đây, giới nghiên cứu cho rằng chúng chỉ sống ở biển. Nghiên cứu mới chỉ ra có khả năng một sinh vật như vậy từng sinh sống trong những hồ nước ngọt cùng với ếch, cá sấu, rùa, cá và thằn lằn gai khổng lồ. Răng của thằn lằn đầu rắn có dấu vết mài mòn tương tự thằn lằn gai, chúng tỏ chúng ăn cùng loại cá bọc giáp sống ở sông hồ.
Những hóa thạch thằn lằn đầu rắn khác được khai quật ở Anh, châu Phi, Australia, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Dù phát hiện hé lộ quái vật hồ Loch Ness có thể tồn tại, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh thằn lằn đầu rắn đã tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, cùng thời với khủng long.
An Khang (Theo Newsweek)
- Phát hiện hóa thạch động vật ăn thịt cổ xưa nhất